Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch hệ thống báo chí đối ngoại đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển một báo điện tử đối ngoại chuyên biệt, chủ lực với các thứ tiếng chính (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga) nằm trong nhóm 10 báo điện tử có lượng truy cập cao nhất từ Việt Nam và nhóm 5 báo điện tử có lượng truy cập cao nhất từ nước ngoài đối với tờ báo điện tử của Việt Nam.
Bên cạnh đó, phát triển một số tờ báo in, tạp chí in đối ngoại chuyên biệt, chủ lực với các ngôn ngữ chính: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga mang tầm khu vực và thế giới, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí có các chuyên mục, bài viết phục vụ nhiệm vụ đối ngoại.
Đồng thời, xác định cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia là Thông tấn xã Việt Nam với các sản phẩm truyền thông chủ lực gồm: Báo in, tạp chí in, báo điện tử; cơ quan hỗ trợ là các cơ quan báo chí khác ở trung ương, địa phương và nước ngoài, trong đó, các bài viết, chuyên mục trên các báo và tạp chí của các cơ quan báo chí này phục vụ từng đối tượng, địa bàn cụ thể.
Phát triển một số tờ báo đối ngoại quốc gia có tầm cỡ khu vực và thế giới
Định hướng Quy hoạch đến năm 2020, về phát triển báo chí đối ngoại, trước năm 2020, Thông tấn xã Việt Nam căn cứ vào tình hình thực tế, trên cơ sở các cơ quan báo chí đối ngoại hiện có, đề xuất phát triển một số tờ báo, tạp chí in và báo điện tử đối ngoại quốc gia có tầm cỡ khu vực và thế giới.
Hỗ trợ các báo, tạp chí in, báo điện tử đối ngoại khác để làm lực lượng bổ sung cho các cơ quan báo chí đối ngoại quốc gia của Thông tấn xã Việt Nam; thí điểm hỗ trợ phát triển một tờ báo (tạp chí) in, một báo điện tử của người Việt Nam khu vực trọng điểm ở nước ngoài.
Xây dựng các ấn phẩm, chuyên mục, chuyên đề, bài viết, phóng sự,… đối ngoại bằng tiếng nước ngoài, cụ thể, bên cạnh những ngôn ngữ chủ lực, tiếp tục sản xuất các bản tin, tin bài bằng các thứ tiếng khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ả Rập,...;
Không ngừng cải tiến nội dung tuyên truyền, thay thế một số chuyên mục không còn phù hợp và xây dựng một số chuyên mục mới phù hợp với tình hình và đáp ứng nhu cầu thông tin đối ngoại; khuyến khích các cơ quan báo chí sử dụng các phương thức truyền thông mới, mạng xã hội để đưa các thông tin đến các đối tượng thông tin đối ngoại.
Phản hồi kịp thời những thông tin sai trái, xuyên tạc
Về định hướng nội dung báo chí đối ngoại, thông tin về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu, quảng bá đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc Việt Nam, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, tiềm năng và hiệu quả trong hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các đối tác; thông tin về tình hình quốc tế cho nhân dân trong nước, chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.
Bên cạnh đó, phản hồi kịp thời những thông tin sai trái, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phá hoại sự nghiệp đổi mới, độc lập, thống nhất, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Cung cấp thông tin phục vụ, hỗ trợ những đơn vị và đối tượng làm công tác thông tin đối ngoại.
Định hướng đến năm 2030, tiếp tục mở rộng khu vực phát hành của báo chí đối ngoại Việt Nam, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm là các nước láng giềng, các nước lớn, các nước trong khối ASEAN, Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, các nước khu vực Mỹ Latinh, đồng bào ta ở nước ngoài. Kết hợp có hiệu quả các phương thức báo chí, tận dụng các thế mạnh về công nghệ để đảm bảo tính kinh tế, hợp lý, tiết kiệm trong đầu tư phát triển báo chí đối ngoại.
Tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống báo chí đối ngoại với đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở dữ liệu phục vụ báo chí đối ngoại. Mở rộng hợp tác quốc tế, đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm đạt được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.