(HNM) - Người xưa dạy:
Năm 2015, Việt Nam là một trong ba "cường quốc" xuất khẩu gạo trên thế giới, sau hai "người bạn" cùng châu lục là Ấn Độ, Thái Lan. Tuy nhiên, các dự báo cho thấy năm 2016 được đánh giá là một năm vô cùng khó khăn khi xuất khẩu gạo không giữ được đà tăng trưởng như kỳ vọng. Thực tế, sản lượng xuất khẩu gạo cả năm 2015 lên tới 6,59 triệu tấn, thu về kim ngạch trên 2,8 tỷ USD - tăng 3,28% về lượng - nhưng vẫn giảm 5,13% về kim ngạch so với năm 2014. Khối lượng gạo xuất khẩu 8 tháng 2016 ước đạt 3,37 triệu tấn với kim ngạch 1,51 tỷ USD, giảm 16,6% về lượng và 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Dẫn ra câu nói của người xưa với thực trạng xuất khẩu gạo hiện nay, liệu có mối liên hệ nào? Và cũng qua những con số, so sánh nêu trên, có gì... "đáng để suy ngẫm"?
Trong suốt một thời gian dài, xuất khẩu gạo nói riêng, xuất khẩu nông sản nói chung "chạy theo" và "chìm sâu" trong một "căn bệnh" trầm kha: Bán "thô" (gạo, cà phê, điều, hoa quả...) - nhập thành phẩm (sản phẩm tương tự nhưng đã qua bảo quản, sơ chế, chế biến)... Hậu quả là trong khi chúng ta - những người nông dân sớm tối "bán mặt cho đất, bán lưng cho giời" thu lợi nhuận rất thấp, doanh nghiệp xuất khẩu có lợi nhuận không đáng là bao... - tức cái gọi là hàm lượng "giá trị gia tăng" không đáng kể thì cũng chính họ phải chịu áp lực trước những nông sản nhập khẩu hấp dẫn hơn về nhãn mác, thương hiệu, mẫu mã sản phẩm cũng như giá thành. Nói cách khác, trong suốt một thời gian dài, Ngành Nông nghiệp chạy theo sản lượng, kim ngạch "cứng" (con số tuyệt đối về số lượng). Điều đáng tiếc là cùng với việc không được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng, đến nay Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu gạo quốc gia nào.
Thực tế cho thấy, tập quán xuất khẩu gạo - xuất thô - vốn dĩ đã và đang để lại nhiều hệ lụy - cần sớm được thay đổi. Trước hết, tư duy chạy theo số lượng, phớt lờ chất lượng phải chấm dứt. Thứ hai, Ngành Nông nghiệp cần có chiến lược cụ thể, hiệu quả nhằm thay đổi tập quán này, trong đó cần sớm có giải pháp xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Nhiều bài học cho thấy, khi những thương hiệu gạo tám Điện Biên, Nàng Thơm, Chợ Đào (Long An)... phát triển thì không có lý gì lại không xây dựng được thương hiệu gạo "mang hình chữ S", nhất là chất lượng sản phẩm của những "cường quốc gạo" Ấn Độ, Thái Lan chưa hẳn đã vượt trội. Thứ ba, những điểm yếu như giá trị dinh dưỡng, độ hấp dẫn về mẫu mã cần sớm được khắc phục. Để làm được những yêu cầu này, không chỉ cần sự nỗ lực của chính người nông dân mà đòi hỏi sự chung tay, gắng sức của các nhà khoa học trong việc tạo ra giống mới đạt yêu cầu về chất lượng; sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc xây dựng những cánh đồng chuyên canh quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu... Đặc biệt, thực tế cho thấy công tác khảo sát, thăm dò thị trường, kết nối với thị trường nhập khẩu đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.
Trong tất cả những đòi hỏi mang tính giải pháp này, yếu tố căn cốt nằm trong chính một chữ của người xưa: "Tinh". Chỉ có chú trọng chất lượng, mẫu mã thì mới có thể xây dựng được thương hiệu gạo đặc thù, qua đó giá gạo sẽ dễ dàng được nâng cao hơn thị trường quốc tế.
Việt Nam là một thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong tương lai sẽ trở thành "người nhà" của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dòng sản phẩm nhập khẩu vào nước ta, bao gồm nông sản - trong đó có gạo sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, trong khi đó dòng xuất khẩu, bao gồm nông sản - trong đó có gạo - sẽ gặp nhiều rào cản kỹ thuật (liên quan tiêu chí mẫu mã, chất lượng) nếu những bất cập không sớm được cải thiện.
Hơn bao giờ hết, câu nói của người xưa - "quý hồ tinh, bất quý hồ đa" - phải trở thành phương châm "nằm lòng" của người làm nông nghiệp, doanh nghiệp làm nông nghiệp hoặc liên quan lĩnh vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.