(HNM) - Ngày 27-12-2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.
Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 51. Ảnh: Phương An |
Vào tháng 1-2014, khi xã Phương Tú (Ứng Hòa) lấy nước đổ ải cho vụ chiêm xuân, một hộ dân nuôi cá ở thôn Nguyễn Xá đã bị thiệt hại nặng nề. Nguyên nhân được nhiều người ở địa phương này xác định là do nguồn nước đổ ải được lấy từ sông Nhuệ bị ô nhiễm và nguồn nước đó đã thẩm thấu qua bờ bao của ao khiến cá của hộ này bị chết hàng loạt. Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng phải nhắm mắt làm liều tưới rau màu bằng nguồn nước ô nhiễm của sông Nhuệ vì không có nguồn nước nào để thay thế. Chưa kể, nhiều nông dân cũng điêu đứng, sạt nghiệp do dùng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng và tự ý sử dụng mà không tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất do muốn "đốt cháy giai đoạn" để nhanh được thu hoạch… Thực trạng này tồn tại đã lâu do chế tài xử lý còn yếu và thiếu, người nông dân, người sản xuất sản phẩm ban đầu nhiều khi không bị ràng buộc trách nhiệm. Còn người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm kém chất lượng, bị ngộ độc thực phẩm cũng không biết phải kêu ai do khi mua hàng hóa không thể biết rõ được nguồn gốc. Do đó, quy định về các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm là đòi hỏi tất yếu, xã hội càng văn minh thì các quy định này càng cần phải được áp dụng trong cuộc sống.
Theo quy định của Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT thì cơ sở sản xuất ban đầu là nơi thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác nông, lâm, thủy sản; sản xuất muối. Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ là cơ sở sản xuất ban đầu cung cấp sản phẩm ra thị trường không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp… Như vậy, tất cả những nông dân, người chăn nuôi, người sản xuất muối… chính là đối tượng điều chỉnh của Thông tư này. Theo đó, để thực phẩm sản xuất được an toàn thì các cơ sở trồng trọt nhỏ lẻ phải có địa điểm sản xuất không nằm trong vùng cảnh báo ô nhiễm, nguồn nước tưới không ảnh hưởng đến an toàn sản phẩm; không sử dụng nước bị ô nhiễm, nước thải để rửa, sơ chế sản phẩm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ đúng các nguyên tắc… Đối với cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ phải bảo đảm: Chuồng nuôi phải tách biệt với nhà ở, dễ vệ sinh, khử trùng tiêu độc; phải có nơi để chứa, ủ chất thải rắn, có hố để xử lý chất thải lỏng, bảo đảm vệ sinh thú ý, vệ sinh môi trường; thức ăn và nước uống dùng trong chăn nuôi phải bảo đảm không gây độc hại cho vật nuôi và người sử dụng sản phẩm động vật. Với cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ, với cơ sở sản xuất, khai thác muối nhỏ lẻ… cũng đều có các điều kiện cụ thể về bảo đảm an toàn thực phẩm. Thông tư cũng quy định người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, người sản xuất, khai thác muối, người thu hái, đánh bắt, khai thác, bảo quản, vận chuyển sản phẩm được phổ biến, hướng dẫn về thực hành sản xuất thực phẩm an toàn… Để các quy định này được thực thi trong cuộc sống, phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ được thực hiện thông qua việc tổ chức ký cam kết, kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm cam kết. Đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các vi phạm không được chỉ định rõ mà do UBND cấp tỉnh phân công, phân cấp.
Có thể thấy đây là những quy định hết sức cần thiết trong cuộc sống nhằm bảo đảm một nền sản xuất thực phẩm an toàn, chất lượng. Song, với sự thiếu đồng bộ trong xử lý ô nhiễm môi trường, nguồn nước sông suối, nước xả thải ở nhiều vùng không được xử lý đến nơi đến chốn, những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mang quy mô gia đình thì không thể tách riêng thành khu sản xuất nên khó lòng có thể đáp ứng được các điều kiện nêu trên. Do vậy, nếu cứ áp những quy định ấy vào cuộc sống mà không có biện pháp xử lý các vấn đề "gốc" về môi trường, nguồn nước, phân bón giả… thì e rằng các quy định đó khó có thể được các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ áp dụng đầy đủ. Chưa kể, làm sao để kiểm soát hết và xử lý triệt để các vi phạm cũng là vấn đề nan giải. Thực trạng này rất cần được các cơ quan chức năng đầu tư, nghiên cứu, tìm giải pháp để quy định nêu trên không phải là quy định "trên trời" như một số các văn bản đã từng xuất hiện trước đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.