(HNMO) - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt khẳng định, việc Chính phủ quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh sẽ không làm tăng biên chế và ngân sách.
Chiều 11-11, tiếp tục kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Đa số đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sau kỳ họp thứ bảy, được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày trước thảo luận.
Các đại biểu cho rằng, về cơ bản, nội dung dự án Luật được rà soát bảo đảm đồng bộ, thống nhất, bám sát nguyên tắc, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và sẵn sàng chiến đấu.
Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu tập trung làm rõ thêm quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, trong đó có các quy định về đăng ký huấn luyện, phương tiện kỹ thuật; chế độ, chính sách bảo đảm chặt chẽ, khả thi...
Một số ý kiến đại biểu cho rằng, Điều 22 của dự án Luật quy định: “Chính phủ quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh” dễ dẫn đến việc xây dựng mới cơ sở huấn luyện, làm tăng ngân sách, chưa phù hợp với các nghị quyết của Trung ương về tinh gọn bộ máy nên cần quy định chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi hơn.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, hiện nay, cả nước đã xây dựng 24 trung tâm huấn luyện dự bị động viên ở cấp tỉnh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập lực lượng dự bị động viên.
Các địa phương khác phải dùng doanh trại, thao trường của các trung đoàn bộ binh, trường quân sự tỉnh hoặc mượn cơ sở vật chất, như: Hội trường ủy ban nhân dân, các trường học... nên chất lượng huấn luyện, diễn tập còn hạn chế, không bảo đảm yêu cầu xây dựng chính quy và quản lý quân nhân dự bị.
Do đó, để nâng cao chất lượng huấn luyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời sử dụng có hiệu quả các cơ sở huấn luyện đã có mà không làm tăng tổ chức, biên chế, ngân sách theo đúng quan điểm của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như dự thảo Luật.
Cụ thể, đơn vị dự bị động viên thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh thực hiện việc huấn luyện tại cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh. Chính phủ quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh.
Việc huấn luyện đơn vị dự bị động viên không thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Về độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình, trước các ý kiến đề nghị tăng hoặc giảm độ tuổi cho phù hợp với thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt giải trình, dự án Luật quy định độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình thấp hơn độ tuổi của quân nhân chuyên nghiệp dự bị theo Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, vì nguồn đối tượng này nhiều, đồng thời bảo đảm sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; còn độ tuổi đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị là phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, ủy ban thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, hoàn chỉnh dự án Luật và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp.
Điều 17. Độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình (dự thảo)
1. Độ tuổi sĩ quan dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên quy định như sau:
a) Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu.
b) Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.