(HNMO) – Ngày 29-10, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các đại biểu quan tâm nhiều đến việc thông tin, quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ của nhà sản xuất, nhà cung cấp tới người tiêu dùng.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Kiên Giang cho rằng, thực tế vấn đề quảng cáo sai sự thật về sản phẩm thời gian qua đã gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều người dân đã tin vào quảng cáo sản phẩm trên các báo đài, cơ quan thông tin và các hình thức quảng cáo khác, cuối cùng tiền mất tật mang…
“Như vậy, ai bảo vệ quyền lợi cho họ? Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa vào luật một số điều khoản quy định về vấn đề này để các tổ chức, cá nhân tham gia vào vấn đề quảng cáo có trách nhiệm với người tiêu dùng”, đại biểu Bé nói.
Đại biểu Bùi Thị Lệ Phi - TP Cần Thơ cũng đồng tình, một trong những nguyên nhân người tiêu dùng thường bị mua lầm là do tin vào việc quảng cáo quá sự thật về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức kinh doanh, cá nhân hoặc cơ quan quảng cáo sản phẩm.
Theo đại biểu Phi, luật cần ghi rõ cấm quảng cáo quá sự thật hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và các cơ quan quảng cáo sản phẩm khi quảng cáo sai gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý.
Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào - TP Hà Nội cho rằng, bộ phận truyền thông, thông tin quảng cáo hàng hóa hiện nay là một lực lượng vô cùng quan trọng, do vậy không thể nằm ngoài trách nhiệm là người bảo vệ người tiêu dùng.
“Ngay trong phạm vi điều chỉnh của luật, tôi đề nghị thêm: Luật này quy định về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ, thông tin quảng cáo về kinh doanh hàng hóa dịch vụ”, đại biểu Đào nói.
Một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Gia Lai đề nghị cụ thể hóa quy định về quyền được hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa dịch vụ để giúp người dân trở thành người tiêu dùng khôn ngoan, thông thái, tự tin trong giao dịch với nhà sản xuất kinh doanh, biết tự bảo vệ mình trong mọi tình huống, đồng thời khắc phục thực trạng người tiêu dùng thường xuyên bị xâm hại do không có thông tin đầy đủ chính xác, không đủ tiềm lực về kinh tế và thiếu khả năng tranh tụng tại tòa so với nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ như trong thời gian vừa qua.
“Trong thực tế, việc tiếp thị hàng hóa và dịch vụ được thực hiện bởi nhiều đơn vị có tổ chức và bởi các nhà kinh doanh đã được huấn luyện. Còn người tiêu dùng thì không được giáo dục, đào tạo, cung cấp thông tin đầy đủ chính xác sẽ trở thành không bình đẳng về ví trị với nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ… Tôi đề nghị cần quy định quyền được giáo dục về kiến thức, kỹ năng tiêu dùng vào luật”, đại biểu Hà nói.
Quan tâm đến nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, đại biểu Dương Kim Anh - Trà Vinh nhận xét, hiện nay sự nhập nhằng trong việc quảng cáo ghi nhãn mác dẫn đến chất lượng hàng hóa không đúng với công bố thực tế đã gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng. Đại biểu này đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tăng cường hơn nữa việc thường xuyên kiểm tra, hậu kiểm tra và công bố kết quả kiểm tra để người tiêu dùng biết. Đồng thời, nên có hình thức xử phạt thật nghiêm đối với các doanh nghiệp gian lận trong công bố thông tin.
“Chỉ mặt hàng sữa thôi, nào là sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa hoàn nguyên tiệt trùng, chất lượng sữa tươi so với chất lượng công bố theo tiêu chuẩn quy định thì còn rất nan giải, người tiêu dùng không ai hiểu hết để mà lựa chọn. Theo số liệu của Cục cạnh tranh năm 2009 thì sản lượng sữa tươi Việt Nam là 270 triệu lít nhưng tổng số lượng sữa nước của các doanh nghiệp gần 453 triệu lít, trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất hầu như là chỉ nhập khẩu sữa bột. Như vậy sẽ có ít nhất 40% sữa tươi tiệt trùng trên thị trường hiện nay không phải 100% sữa tươi nguyên chất, điều đó cho thấy các doanh nghiệp đã gian lận hoặc quảng cáo sai sự thật”, đại biểu Kim Anh dẫn chứng.
Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 17/11 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.