(HNMO) - Sáng 2-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Trong đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) khi cho rằng, thời gian qua, tình trạng quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm nghiêm trọng nhưng chưa rõ vai trò, trách nhiệm bảo vệ của cơ quan quản lý nhà nước.
Làm rõ hơn khái niệm về người tiêu dùng
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu. Quan tâm đến dự án luật này, nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết, đồng thời, cần có những quy định chặt chẽ để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số nền kinh tế. Trong đó, cần hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho ý kiến về vấn đề bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng (Điều 53). Cụ thể, đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng quy định việc bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch điện tử không chỉ được thực hiện theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng, mà còn phải thực hiện theo quy định của Luật Công nghệ thông tin để đảm bảo tính toàn diện, hệ thống trong đối tượng được điều chỉnh của các luật có liên quan.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, khái niệm người tiêu dùng trong dự thảo Luật chưa rõ, chưa phù hợp với điều kiện trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ thông tin. Vì thế, đại biểu kiến nghị rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn.
“Khái niệm người tiêu dùng còn mờ mịt thì làm sao chúng ta bảo vệ được họ? Đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ khái niệm này. Đặc biệt, trong dự thảo Luật cũng không quy định rõ về quản lý đội ngũ bán hàng rong thì cũng khó mà bảo vệ quyền lợi người dùng”, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nêu ý kiến.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng cho rằng, hiện nay, với một số loại hàng tiêu dùng, người tiêu dùng có thể phát hiện được ngay có vấn đề về chất lượng hay không, nhưng với một số loại hàng thì cần thời gian, chuyên môn, máy móc mới phát hiện được. Quy định trong dự luật đang đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.
Không dễ trở thành “người tiêu dùng thông minh”
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn thành phố Hà Nội) cho biết, chúng ta luôn nói đến khái niệm “người tiêu dùng thông minh”, song trên thực tế, không phải ai cũng hiểu được sản phẩm mình mua và sử dụng có độc hại hay không vì phải qua kiểm định. Vì thế, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan trong quản lý chất lượng sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở lĩnh vực nhạy cảm (Điều 7). Đại biểu nêu dẫn chứng liên quan đến sử dụng tế bào gốc, chi phí hàng trăm triệu đồng nhưng hiệu quả thấp. Đại biểu giải thích, tế bào gốc được biết đến là “thần dược” dùng để ghép điều trị các bệnh về máu nhưng không phải lĩnh vực nào cũng có tác dụng. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng để không lãng phí tiền của vào những sản phẩm kém chất lượng.
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, trước hết, người tiêu dùng phải có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình trước khi thực hiện các giao dịch trong thời đại công nghệ số hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu cũng rất băn khoăn về vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay.
“Thời gian qua, hoạt động của Hội Bảo vệ người tiêu dùng còn rất yếu, cơ chế bảo đảm cho hoạt động còn hạn chế, không có đủ kinh phí hoạt động, trong khi dự thảo Luật sửa đổi lại chưa thể hiện rõ vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Cùng với đó, nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề này còn hạn chế do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa tốt”, đại biểu Tạ Đình Thi nêu ý kiến.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, dịch vụ người tiêu dùng đưa ra trách nhiệm và quyền rất nhiều, nhưng quyền được tư vấn lại chưa được thể hiện rõ. Đại biểu dẫn chứng hiện nay, trên thị trường, có rất nhiều sản phẩm đông y, tây y, các thực phẩm chức năng chữa bệnh, song chất lượng ra sao không rõ và người tiêu dùng không được tư vấn cụ thể trước khi sử dụng. Đại biểu kiến nghị, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần gắn trách nhiệm của người sản xuất và phân phối. Cụ thể, dự thảo Luật cần quy định không được sản xuất và phân phối hàng giả, hàng nhái và cần xử lý nghiêm và rõ trách nhiệm ra sao. Cùng với đó, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ trưởng dân phố, trưởng thôn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các sản phẩm kém chất lượng lưu hành trên địa bàn.
Cùng quan điểm này, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức này tham gia. Đồng thời, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ngân sách nhà nước bảo đảm hỗ trợ kinh phí cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) cho biết, việc mua bán hàng giả hiện rất phổ biến với cả người mua và người bán. Với người bán hàng giả, khi bị phát hiện, đã có luật để xử lý. Tuy nhiên, với người tiêu dùng cố tình sử dụng hàng giả thì có vi phạm pháp luật hay không, dự thảo Luật chưa nêu rõ trường hợp này.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đồng Nai) đóng góp vào Điều 15 về “Quyền lợi của người tiêu dùng”. Theo đại biểu, chúng ta cần bảo vệ người tiêu dùng về chất lượng và giá cả sản phẩm. Bởi khi nhà cung cấp đưa ra một sản phẩm nhưng không biết giá cả thực tế là bao nhiêu thì người tiêu dùng rất dễ bị lừa. Tại Điều 14, mục 4 có nêu “Người tiêu dùng được góp ý kiến đối với tổ chức kinh doanh về giá cả”, theo đại biểu, việc đóng góp ý kiến về giá cả là rất khó, nên thay bằng cụm từ “cung cấp giá trị của sản phẩm” thì sẽ phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.