(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định 04/2014/QĐ-UBND về quy chế đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn thành phố.
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tiếp nhận thông tin, thư tín, liên lạc, giao dịch cũng như thể hiện tính khoa học, văn minh trong công tác quản lý đô thị, góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị và công tác quản lý hành chính. Liệu quy chế mới này có dẹp được nạn "loạn" số nhà?
Phố Thái Hà Mới hay Yên Lãng? Ảnh: Yên Khánh |
Ngẫu hứng gắn biển số nhà
"Loạn" biển số nhà, gắn biển số nhà... "ngẫu hứng", tự gắn biển số nhà theo phong thủy… đang là thực trạng diễn ra trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội trong những năm qua. Với tốc độ đô thị hóa cao của Hà Nội; nhiều tuyến phố được mở rộng, nhiều khu đô thị mới được đưa vào sử dụng… Hà Nội đang tồn tại hàng nghìn ngôi nhà có biển số không hợp lý, mang tính ngẫu hứng. Qua khảo sát của phóng viên, không chỉ trên những tuyến phố mới mở, cả những tuyến đường cũ trong nội thành cũng xảy ra tình trạng này. Điển hình là tuyến đường được cống hóa từ Đê La Thành đi Thái Hà, trong đó, đã có một đoạn được gắn biển tên phố Hoàng Cầu, thì đoạn cắt từ phố Võ Văn Dũng đến đoạn cắt phố Thái Hà (quận Đống Đa) đang có tình trạng "loạn" tên phố, "loạn" cả số nhà. Trên đoạn phố dài chừng hơn 50m, đếm sơ sơ đã thấy có 4 tên đường trên các biển hiệu đang được các hộ dân treo tại đây: Nơi thì phố Hoàng Cầu, cách đó hai nhà lại là phố Hoàng Cầu Mới, tiếp đó một đoạn là phố Thái Hà Mới, rồi phố Yên Lãng. Trong khi đó, các ngôi nhà dọc tuyến phố này cũng được gắn số rất tùy tiện, lộn xộn. Cùng một mặt phố nhưng số to đứng cạnh số nhỏ, số chẵn chen vào số lẻ "đá nhau" lung tung. Cụ thể, hai số nhà sát vách nhau, nhưng nơi thì treo biển: "Bia hơi Phúc Lộc Thọ số 11 Hoàng Cầu Mới", nơi lại gắn mác: "Hẻm quán số 66 Hoàng Cầu Mới", hay…
Trong khi đó, tại tuyến phố cũ như đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), tình trạng "loạn" số nhà cũng diễn ra tương tự, không những vậy còn "lên - xuống như biểu đồ hình Sin". Cụ thể, từ đường Bưởi rẽ xuống, ngay đầu phố phóng viên đã thấy có đến 6 số nhà đều gắn biển số 10 Hoàng Quốc Việt, đi tiếp lại là số 6, số 8 gắn tuần tự (theo số chẵn) đến số nhà 24, rồi "đùng" một cái lại trở về số 2 - tòa nhà của Công ty XNK Viglacera. Qua tiếp là số nhà 14, 16 đến số 34, rồi quay trở lại số 8 - địa chỉ của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học - Công nghệ). Sát ngay cổng bên cạnh lại là số 18 - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam…
Có dẹp được nạn "loạn" số nhà?
Loạn tên phố, loạn số nhà không chỉ gây ra tình trạng lộn xộn về địa chỉ, mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý. Được biết, năm 1996 Hà Nội đã từng có Quyết định 2761/QĐ-UB ban hành Quy chế quản lý đánh số và gắn biển số nhà tại Hà Nội. Việc đánh số nhà tại 4 quận nội thành cũ đã được hoàn thành. Năm 2006, Bộ Xây dựng cũng ban hành Quy chế đánh số và gắn biển số nhà. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân: Phố mới được mở rộng, kéo dài, chưa được gắn tên; đường đã có tên nhưng hai bên đường còn nhiều đất trống của các dự án lớn, khu vực có nhà nhưng chủ yếu là ki ốt bán hàng nên không đủ điều kiện để cơ quan chức năng đánh số nhà… đã và đang dẫn đến tình trạng người dân tự gắn biển số không theo trật tự, quy tắc nào. Theo một cán bộ địa chính, việc kiểm tra, xử lý các trường hợp này từ trước đến nay hầu như không có. Mà nếu có cũng không biết xử phạt ra sao vì không có văn bản quy định nào.
Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này, ngày 25-1 UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND quy định Quy chế đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng. Việc cụ thể hóa đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn được người dân đón nhận. Quyết định cũng thể hiện tính khoa học, văn minh trong công tác quản lý đô thị, góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị và công tác quản lý hành chính, an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Theo đó, số nhà trên các tuyến giao thông được đánh bằng dãy số tự nhiên, bắt đầu từ đầu tuyến đến cuối tuyến, không phân biệt ranh giới hành chính phường, xã, thị trấn, quận, huyện, thị xã. Đứng đầu tuyến nhìn về phía cuối tuyến, nhà bên trái đánh số lẻ, bên phải đánh số chẵn. Trong trường hợp, một nhà có cửa mở ra hai tuyến giao thông khác nhau thì nhà đó được đánh số theo tuyến giao thông có mặt cắt ngang lớn hơn. Nếu các tuyến giao thông có mặt cắt ngang tương đương thì đánh số nhà theo tuyến có cửa chính vào nhà. Trường hợp đoạn đường mới xây dựng ở phía đầu tuyến, nếu số lượng nhà trên đoạn nối dài nhỏ hơn 24 và liên tục thì số nhà trong đoạn đường nối dài được đánh số bằng tên ghép của số nhà đầu tuyến hiện có và chữ cái in hoa tiếng Việt (A, B, C), đánh số liên tục từ số nhà đầu tuyến hiện có theo thứ tự bằng chữ cái tiếng Việt; trường hợp nhiều hơn 24 thì phải đánh số, gắn lại biển số nhà toàn tuyến...
Một điểm tiến bộ đáng lưu ý tại quyết định này là TP Hà Nội quy định không đánh số và không gắn biển số nhà cho các loại nhà ở, công trình xây dựng không phép hoặc trái phép trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu nhà ở đã được đánh số, gắn biển sẽ được cấp giấy chứng nhận số nhà. Giấy này chỉ sử dụng khi làm các thủ tục liên quan tới địa chỉ, không có giá trị công nhận quyền sở hữu nhà ở hay công trình xây dựng. UBND quận, huyện, thị xã sẽ cấp giấy chứng nhận trong thời gian 30 ngày, kể từ khi gắn xong biển số nhà và chuyển cho UBND xã, phường, thị trấn trao cho đối tượng được cấp giấy.
Trước quyết định mới của UBND thành phố về đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng, hiện các quận, huyện đang rà soát và xây dựng khung số nhà theo đúng quy định. Tại UBND quận Đống Đa, ông Trương Thế Khôi - Phó phòng Tài nguyên - Môi trường quận cho biết: Quyết định 04/ 2014/QĐ-UBND hoàn toàn có thể "dẹp" được nạn "loạn" số nhà. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn một số vướng mắc cần được UBND thành phố, Sở Xây dựng tháo gỡ, nhất là trên các tuyến phố mới được cải tạo mở rộng và tuyến phố mới mở. Cụ thể là việc thực hiện đánh số nhà trên tuyến đường Vành đai I: Đào Duy Anh - Xã Đàn nối với tuyến phố mới mở chưa được đặt tên nối thông với phố Hoàng Cầu. Việc đánh số nhà trên tuyến phố này sẽ thực hiện theo phương án ngắt tên phố - đánh rõ từng đoạn ngắn: phố Đào Duy Anh, phố Xã Đàn... hay theo phương án để một tên phố thống nhất kéo dài toàn tuyến vành đai từ Đê Tô Hoàng đến Cầu Giấy.
Với những quy định chi tiết, cụ thể về đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng, hy vọng chính quyền các cấp sẽ quản lý tốt, từng bước xóa bỏ những lộn xộn trong công tác này, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu của "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.