Ngày 19/11, thời hạn chót Liên đoàn Arab (AL) đưa ra để Syria chấm dứt hành động trấn áp cuộc bạo loạn chống chính phủ ở nước này đã trôi qua mà chưa thấy dấu hiện bạo lực dịu bớt. Điều này khiến cộng đồng quốc tế lo ngại khi Syria sẽ như một Libya thứ hai.
Trang web “Tin tức Syria” đưa tin, hôm 19/11 các tay súng không rõ danh tính đã tấn công vào một xe buýt chở dân thường và các binh sỹ quân đội tại thành phố Homs khiến 11 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương. Homs là thành phố lớn thứ ba tại Syria và là một trong những trung tâm của các cuộc biểu tình đòi Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức.
Tình hình Syria ngày càng trở nên hỗn loạn (ảnh KT) |
Cơ quan Giám sát nhân quyền Syria cho biết, 14 người đã bị lực lượng an ninh chính phủ sát hại trong ngày 19/11.
Trong khi đó, các quốc gia và tổ chức trong khu vực đã có những hành động thể hiện lo ngại về tình hình bất ổn tại Syria. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, nước này đã có những kế hoạch khẩn cấp nhằm thiết lập các vùng cấm bay hay các vùng đệm để bảo vệ dân thường ở nước láng giềng Syria nếu tình trạng bạo lực tồi tệ hơn.
Mặc dù cho đến nay, cả Liên minh châu Âu và NATO đều khẳng định, chưa có ý định can thiệp quân sự vào Syria, nhưng giới phân tích không loại trừ khả năng này sắp xảy ra trong tương lai gần. Hãng tin AFP và Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel E. Barak khẳng định, Tổng thống Syria đã tới "điểm không thể quay trở lại".
"Tôi cho rằng ông ấy (Bashar al-Assad) đã đi tới điểm không thể lấy lại quyền lực bởi chúng ta đã thấy trong các cuộc xung đột giữa người dân và lực lượng anh ninh, quân đội. Với thực tế đó tôi tin rằng, cũng có những rạn nứt giữa ông al Assad và những người ủng hộ ông”.
Hiện, một số nước như Morocco, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Pháp, Mỹ, Thụy Sỹ, Saudi Arabia… đã triệu hồi đại sứ tại Syria về nước sau khi người biểu tình ở Damacus tấn công vào đại sứ quán và lãnh sự quán của họ.
Trong khi đó, lo ngại về “kịch bản Libya” có thể tái diễn ở Syria, Nga đang đưa các tàu chiến đến vùng biển Syria trong một động thái nhằm ngăn chặn can thiệp quân sự từ bên ngoài vào lãnh thổ nước này. Các nhà phân tích cho rằng, động thái của Moscow muốn gửi thông điệp rằng họ sẽ ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào do NATO đứng đầu dưới vỏ bọc “can thiệp nhân đạo” vào quốc gia Trung Đông này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.