Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Quốc tế hóa các giá trị tư tưởng, văn hóa… của dân tộc”!

Thi Thi thực hiện| 06/01/2013 07:03

(HNM) - Một trong những hội viên


Luôn làm nóng không khí các diễn đàn văn nghệ song ông cũng là người làm công việc sáng tạo ở hai lĩnh vực đòi hỏi sự lặng lẽ, thậm chí là ở tận cùng của nỗi cô đơn: Sáng tác - đạo diễn sân khấu kịch hát dân tộc và sáng tác thơ. Nhân sự kiện ông trở thành tân hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hànộimới có cuộc trò chuyện cùng nhà thơ, đạo diễn sân khấu Lương Tử Đức.


Nhà thơ Lương Tử Đức (phải). Ảnh: Nguyễn Quang Hưng

- Chúc mừng ông vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Trở thành hội viên “trẻ” khi cả kinh nghiệm cuộc sống và nghề nghiệp đều đã dày dặn, điều đó mang lại cho ông những cảm xúc gì?

- Chiều 22-12-2012, tôi vừa rời Đài THVN thì nhà thơ Trần Quang Quý báo tin: “Ông đã biết gì chưa? Xin chúc mừng hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam!”. Cảm giác đầu tiên: Thơ 30 năm của tôi bé lại. Giống như người lần đầu thấy mình biến mất khi thực sự bơi vào biển cả văn chương, nhưng cũng được nhận thấy bầu trời văn học rộng lớn hơn.

- Với tư cách là một hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời là một nhà thơ có cá tính, một đạo diễn sân khấu nhiều kinh nghiệm, ông nghĩ mình có thể đóng góp gì cho sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà?

- Thực ra, nghề đạo diễn sân khấu tôi xem như đã thất bại. Đó cũng là điều may mắn. Bởi nếu tôi thành công để có danh tiếng một thời thì chắc gì nghệ thuật sân khấu còn có cơ hội để sống vạm vỡ trong lòng tôi nữa. Chính những thất bại đã cho tôi rời bỏ chủ nghĩa kinh nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật. Bởi kinh nghiệm chỉ là thói quen ngộ nhận và tiểu xảo. Nó không phải trí tuệ sáng suốt để mang thai, nuôi dưỡng những hình thái tâm lý tình cảm, tâm lý nhận thức nhằm tạo ra những hình tượng sân khấu tương ứng với thời đại, mang thông điệp cho đời sau.

Chính vì vậy, thơ của tôi cũng không dừng lại ở cá tính. Và tôi không có dụng ý để tạo một phong cách cá biệt. Tôi cố gắng trung thực, sáng suốt, chân thành để xứng đáng với sự thật của đời sống, những sự thật hiển nhiên và thiêng liêng bất tử. Đó là sự đóng góp chân thành nhất của tôi.

- Thơ và sân khấu, hai mảng ấy hỗ trợ nhau và mang lại cho ông cảm hứng sáng tạo như thế nào?

- Các loại hình văn học nghệ thuật không triệt tiêu nhau mà nó luôn tôn vinh và khai thác hết giá trị của nhau. Thơ ca đỉnh cao bao giờ cũng được ngự trị ở sân khấu. Như kịch “Hăm Lét”, trường ca “Iliát”, “Ôđixê”… Và nghệ thuật sân khấu đỉnh cao sẽ trở thành những áng thơ trác tuyệt. Điều đó làm tôi yên tâm khi cả đời đeo đuổi hai loại hình nghệ thuật này. Nhưng tôi luôn cảnh giác, không để mình rơi vào tình trạng lợi dụng kịch tính của sân khấu để hấp dẫn hóa thơ của mình. Và ngược lại, tôi cũng không dùng những suy tưởng mộng mị đầy quyến rũ của thi ca để che lấp sự vụng về của nghệ thuật sân khấu.

- Còn nhớ đúng 10 năm trước đây, tại Hà Nội diễn ra một hội thảo mang tên “Những chuyển động trong thơ hôm nay”. Đến giờ, có cảm giác những chuyển động ấy ngày càng rõ nét hơn với chiều hướng của thơ cách tân, đa giọng điệu... Ông có nghĩ tập thơ thứ hai của mình, “Có một mỉm cười”, cũng nằm trong chuyển động này?

- Sự sống là bất biến, nhưng đời sống do sự sống tạo ra không ngừng biến hóa để phơi lộ những kỳ ảo bất tử của nó. Tôi không có quan niệm thơ cũ, thơ mới và thơ cách tân. Mà tôi luôn lắng nghe, thấu hiểu và hòa nhập sự chuyển động của thi ca qua từng nhịp thở của thời đại, để hội nhập. Bởi thi ca chính là tín hiệu linh hồn của sự sống. Tất nhiên, cách gọi thơ cũ, thơ mới, thơ cách tân cũng là những nỗ lực của trách nhiệm và lương tri để giúp cho mọi cung bậc tâm hồn của nhà thơ nhận ra và tự tin với giọng điệu trong thơ của mình. Tập thơ thứ hai của tôi ý thức được điều đó.

- Tuy nhiên, có vẻ như bạn đọc vẫn “đọc” thơ hôm nay với tâm thế cũ, thói quen cũ?

- Trước khi có quan niệm thẩm mỹ mới thì những vòng quay quán tính về thẩm mỹ trước đó không thể đột ngột dừng lại. Điều kỳ diệu của tâm hồn con người chính là mang sự lưu luyến, tiếc nuối, dư vang của tình cảm trước để đón nhận một tinh thần hiểu biết và yêu đương mới mẻ.

- Trong cả hai lĩnh vực thơ và sân khấu, ông có những dự định gì trong năm 2013?

- Những dự định sáng tác sân khấu và thi ca của tôi không thể nằm ngoài sự chuyển mình của thời đại. Tính hiện đại của dân tộc ta luôn đi sau tính hiện đại của thế giới. Nhưng vì có bản lĩnh giữ gìn truyền thống cho nên dẫu chậm một chút mà giữ được mình thì vẫn còn hơn là biến mất do bị hòa tan. Do đó, dự định sáng tác năm 2013 của tôi về thơ ca và sân khấu vẫn phải đứng vững trên nền truyền thống, đồng thời khẳng định những giá trị, cái đẹp của thời đại mới. Cũng giống như tinh thần văn học nghệ thuật thời đại chúng ta là phải quốc tế hóa những giá trị tư tưởng, văn hóa và phẩm giá của dân tộc ta qua các tác phẩm.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Nhà thơ Lương Tử Đức từng nhiều năm công tác tại Đoàn chèo Hà Tây (cũ). Trên sân khấu, ông từng được ghi nhận với tư cách diễn viên, tác giả kịch bản, đạo diễn. Một số kịch bản của ông được dàn dựng gây chú ý như: "Nàng Thiệt Thê", "Bóng núi không tan", "Người nhà quê", "Giọt máu đào", "Trả yếm vợ quan"… Vở chèo "Chiến trường không tiếng súng" do ông chuyển thể, giành HCV Hội diễn sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Tại Festival Huế 2010, ông là đạo diễn chương trình sân khấu hóa "Hơi thở của nước".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Quốc tế hóa các giá trị tư tưởng, văn hóa… của dân tộc”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.