Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 27/11, với 71,83% số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết: Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công an nhân dân (CAND) tại Điều 5, có ý kiến đề nghị bổ sung chế độ Chính ủy, Chính trị viên trong CAND vì cho rằng công tác Đảng, công tác chính trị, tư tưởng trong lực lượng vũ trang rất quan trọng.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy lực lượng vũ trang lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở là một nguyên tắc có ý nghĩa rất quan trọng bảo đảm sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang nói chung và CAND nói riêng. Theo quy định của Đảng thì công tác Đảng, công tác chính trị trong CAND do Đảng ủy Công an Trung ương và các tổ chức Đảng trực tiếp chỉ đạo thực hiện, theo đó các cơ quan tham mưu là: Tổng cục chính trị CAND, Cục chính trị ở các Tổng cục… Cho đến nay, chế độ Chính ủy, Chính trị viên chỉ được tổ chức tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động theo Quy định số 216-QĐ/TW ngày 9/12 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng (Khóa XI). Vì vây, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo Luật trình Quốc hội.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Về nghĩa vụ tham gia CAND, có ý kiến đề nghị xác định nghĩa vụ tham gia CAND là thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc coi là một loại nghĩa vụ “thay thế nghĩa vụ quân sự”; đề nghị bổ sung một khoản mới quy định việc đăng ký, tuyển chọn công dân trong độ tuổi nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự. Có ý kiến đề nghị cân nhắc theo quy định về nghĩa vụ này để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. UBTVQH cho rằng nghĩa vụ tham gia CAND không phải là hình thức thực hiện nghĩa vụ quân sự, vì công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự là phục vụ trong quân đội nhân dân đã được Hiến pháp quy định; còn nghĩa vụ tham gia CAND là hình thức công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang với thời hạn 3 năm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ với tính chất đặc thù của CAND và phù hợp với thực tiễn đã thực hiện ổn định trong nhiều năm. Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ nguyên như quy định của Dự thảo Luật trình Quốc hội.
Liên quan quy định cụ thể số cấp phó có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng, đa số ý kiến nhất trí đề nghị quy định cụ thể số cấp phó có trần cấp Tướng trong Luật để bảo đảm đúng thẩm quyền và ổn định số lượng sĩ quan cấp Tướng trong CAND.
UBTVQH xin tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội thể hiện cụ thể cấp phó có trần cấp bậc hàm cấp Tướng nhằm bảo đảm ổn định số lượng cấp Tướng và thực hiện đúng thẩm quyền của Quốc hội. Đồng thời, đã rà soát quy định chặt chẽ số lượng cấp phó có trần cấp bậc hàm cấp Tướng của từng chức vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị, bảo đảm tương ứng với Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam như Dự thảo Luật trình Quốc hội.
Về cấp bậc hàm cao nhất đối với các chức vụ của sĩ quan CAND (Điều 24), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết: Đa số ý kiến ĐBQH nhất trí với quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với các chức vụ của sĩ quan CAND.
Đối với ý kiến đề nghị Thứ trưởng là Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương có trần cấp bậc hàm là Đại tướng, UBTVQH cho rằng, chức vụ Thứ trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Công an, giúp Bộ trưởng (đồng thời là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương) thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có nhiệm vụ về công tác Đảng theo quy định thì tổ chức Đảng trong CAND không tổ chức theo hệ thống từ Đảng ủy Công an Trung ương đến các địa phương. Theo đó, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương chỉ có vị trí lãnh đạo trực tiếp đối với các tổ chức Đảng bộ của các Tổng cục và đơn vị trực thuộc Bộ Công an. Vì vậy, để thống nhất trong bộ máy của Đảng và Nhà nước; căn cứ Thông báo số 147-TB/TW ngày 21/10/2013 và Thông báo số 185-TB/TW ngày 28/10/2014 của Bộ Chính trị chỉ đạo: “Thứ trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương có trần quân hàm là Thượng tướng như hiện nay”, UBTVQH xin giữ nguyên như quy định của Dự thảo Luật trình Quốc hội.
Một số ý kiến đồng ý trần cấp bậc hàm Trung tướng đối với Giám đốc Công an TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng đề nghị cân nhắc cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ Trưởng Công an quận thuộc TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là Thượng tá như các quận, huyện khác; còn quy định Giám đốc Công an cấp tỉnh có trần cấp bậc hàm Đại tá là bảo đảm tương quan với Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 147-TB/TW ngày 21/10/2013 và Thông báo số 185-TB/TW và đa số ý kiến ĐBQH. Vì vậy, UBTVQH xin giữ nguyên như quy định của Dự thảo Luật trình Quốc hội…/.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.