Văn nghệ

Nhà văn Lê Phương Liên: Một đời văn dành trọn cho tuổi thơ

Võ Hà 31/03/2025 - 12:18

Năm 2008, khi tham gia Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, Hội Nhà văn Đan Mạch và Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức, tôi đã có cơ duyên gặp gỡ nhà văn Lê Phương Liên, giám khảo cuộc thi và cũng là người đang công tác tại NXB Kim Đồng.

Ngày trao giải, khi lắng nghe nhận xét về tác phẩm của mình, tôi ấn tượng sâu sắc với giọng đọc dịu dàng, đầy động viên và gợi mở của bà. Sau này khi tôi làm việc tại VOV, bà trở thành cộng tác viên thường xuyên trong các chương trình văn nghệ thiếu nhi do tôi phụ trách, giúp tôi hiểu thêm về cuộc sống và những trang viết của bà.

nha-van.jpg
Nhà văn Lê Phương Liên trong buổi giao lưu với các bạn nhỏ tại CLB Đọc sách cùng con.

Người của phố Hàng

Trong những lần thủ thỉ trò chuyện với nhà văn Lê Phương Liên, bà thường nhắc đến bà ngoại của mình, một phụ nữ Hà Nội từng sinh sống trên phố Hàng Bạc. Con phố xưa kia nổi danh với nghề buôn bạc, gắn liền với câu nói: “Con gái Hàng Bạc cái giá cắn làm đôi”, thể hiện sự nền nếp, ý tứ của con gái Hà Nội xưa. Những ký ức về phong thái và lối sống của bà ngoại đã in sâu trong tâm trí và ảnh hưởng rõ nét đến tính cách, suy nghĩ của bà.

“Gia đình tôi sống ở con phố sầm uất nhất Hà Nội lúc bấy giờ nhưng phong cách sống lại rất giản dị. Bà ngoại tôi, một phụ nữ Hà Nội gốc, góa chồng khi mới ngoài 30 tuổi, một mình buôn bán ngược xuôi nuôi 7 người con. Các con của bà đều được nuôi nấng ăn học thành tài, hai con trai đều là cán bộ Nhà nước, các con gái đều là nhà giáo. Bà biết chữ rất ít nhưng lại có vốn văn học tuyệt vời, bà thuộc làu “Truyện Kiều” và thường ru các cháu bằng những câu Kiều...” - nhà văn Lê Phương Liên đã mở đầu câu chuyện về người bà như thế.

Cứ thế, tuổi thơ của cô bé Liên là những tháng ngày được sống gần bà, được bà chăm bẵm và dạy bảo. Những năm kháng chiến chống Mỹ, mười mấy tuổi bé Liên đã phải theo bà đi sơ tán rồi khi mẹ mất sớm, bà ngoại càng trở thành chỗ dựa tinh thần cho Lê Phương Liên.

Trong ký ức của nhà văn Lê Phương Liên, bà ngoại luôn là một phụ nữ Hà Nội chuẩn mực, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bà vẫn thu xếp cho gia đình một cuộc sống nền nếp. Dẫu khó khăn đến đâu nhưng hễ đi ra phố bà đều mặc áo dài, đi chợ về trên tay bao giờ cũng có tấm mía hoặc bánh đa làm quà cho các cháu. Người bà như bà tiên ấy còn tự tay chế biến một cách ngon lành, hấp dẫn các món ăn như trứng muối, mắm tép, canh cá theo lối Bắc, muối dưa, muối cà, nặn bánh trôi, bánh chay vào ngày Tết Hàn thực rồi chia vào cặp lồng cho các con mang về...

Chính những năm tháng sống bên người bà yêu thương đã hun đúc nên lối sống, lối suy nghĩ của nhà văn Lê Phương Liên. Vì thế, bà luôn giữ trọn sự chu đáo, chan hòa, thương yêu và nghĩa tình không chỉ cho gia đình mà còn cho học trò, đồng nghiệp và tất cả những người xung quanh.

Nuôi tình yêu văn chương lớn dần

Những năm tháng học Trường cấp 1 Nguyễn Du (phố Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm), rồi học cấp 2 tại Trường Trưng Vương (phố Hàng Bài, Hoàn Kiếm), Lê Phương Liên luôn là học sinh giỏi toàn diện (A1) và từng được Bác Hồ khen thưởng. Năm 14 tuổi, bà rời ngôi nhà tuổi thơ trên phố Hàng Bạc để đi sơ tán rồi theo học tại Trường cấp 3 Thuận Thành (Bắc Ninh).

Năm học 1967 - 1968, bà giành giải Khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Đến năm 1971, tốt nghiệp loại Giỏi khoa Toán - Lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, cô gái phố Hàng trở thành cô giáo trẻ, được phân công về giảng dạy tại Trường cấp 2 Yên Sở, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.

Ngay từ những năm học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Lê Phương Liên đã nuôi dưỡng đam mê viết văn một cách nghiêm túc. Mới 18 tuổi, bà đã gửi bản thảo truyện ngắn “Dũng cảm” đến NXB Kim Đồng. Năm 1970, khi còn là sinh viên năm cuối, bà đã được NXB Kim Đồng giới thiệu tham gia Trại sáng tác văn học của Bộ Giáo dục.

Chính tại đây, cô giáo trẻ tương lai đã viết nên hai tác phẩm: Truyện vừa “Những tia nắng đầu tiên” (NXB Kim Đồng, 1971) và truyện ngắn “Câu hỏi trẻ thơ” - tác phẩm sau này được trao giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc vận động sáng tác về “Thầy giáo và nhà trường xã hội chủ nghĩa”.

Sau khi trở thành cô giáo của Trường cấp 2 Yên Sở, những năm tháng gắn bó với vùng ven đô này đã trở thành nguồn cảm hứng để bà viết nên truyện vừa “Hoa dại”, lần đầu xuất bản năm 2005 và được tái bản năm 2016.

Không dừng lại ở đó, trong thời gian giảng dạy tại Trường cấp 2 Yên Sở, bà tiếp tục sáng tác và được NXB Kim Đồng in truyện vừa “Khi mùa xuân đến” (1973). Một năm sau, Lê Phương Liên chính thức trở thành hội viên Hội Văn nghệ Hà Nội - tiền thân của Hội Nhà văn Hà Nội, nay là Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội.

Sau đó, bà được cử đi học tại Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Trong thời gian này, bà viết truyện ngắn “Bông hoa phấn trắng”, tác phẩm sau đó được đăng trên Báo Văn Nghệ và đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi truyện ngắn năm 1975.

Việc một cô giáo cấp II liên tiếp nhận nhiều giải thưởng văn chương danh giá khiến văn đàn thời bấy giờ coi bà như một “hiện tượng”. Sau 9 năm gắn bó với Trường cấp 2 Yên Sở, năm 1980, Lê Phương Liên chính thức chuyển sang công tác tại NXB Kim Đồng, thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, với vai trò cán bộ biên tập.

Chỉ một năm sau, bà được Trung ương Đoàn trao tặng Huy chương “Vì thế hệ trẻ” nhờ hai tác phẩm “Những tia nắng đầu tiên” và “Khi mùa xuân đến”. Cũng trong năm đó, bà trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ năm 1995 - 2010, nhà văn Lê Phương Liên đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng tại Hội Nhà văn Việt Nam, lần lượt là Ủy viên Ban Văn học thiếu nhi, Phó Trưởng ban rồi Trưởng ban Văn học thiếu nhi, không ngừng đóng góp cho sự phát triển của dòng văn học dành cho trẻ em.

“Hướng ánh nhìn và tâm nghĩ về cái đẹp”

Nhìn lại những cống hiến không ngừng nghỉ trong giảng dạy và sáng tác văn học của nhà văn Lê Phương Liên, có thể thấy bà luôn mang trong mình tinh thần học hỏi, không ngừng bước tới.

Năm 1982, ngay sau khi hoàn thành khóa tập huấn Tâm lý học và Giáo dục trẻ em tại Cộng hòa Dân chủ Đức, bà thi đỗ và theo học tại chức khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội. Dù bận rộn với công việc chuyên môn và gia đình, bà vẫn miệt mài sáng tác.

Trong những năm 1980 - 1990, bà cho ra mắt nhiều tập truyện như “Bông hoa phấn trắng”, “Bức tranh còn vẽ”, “Én nhỏ”, truyện vừa “Hoa dại”. Bước sang thế kỷ XXI, dù đã ngoài 50 tuổi, bà vẫn không ngừng tìm tòi, mở rộng phạm vi sáng tác.

Bên cạnh những tập truyện ngắn theo phong cách truyền thống như “Ngày em tới trường”, “Dòng thu”, bà còn thử sức với tiểu thuyết và truyện giả tưởng. Những tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này có thể kể đến: “Khúc hát hạnh phúc”, “Cuộc phiêu lưu của chú Rối Tễu”, “Cây đa ngàn tuổi và ba đứa trẻ”.

Năm 2007, sau khi rời công việc biên tập tại NXB Kim Đồng, bà vẫn tiếp tục gắn bó với các hoạt động dành cho trẻ em, giữ vai trò Giám đốc điều hành “Quỹ hỗ trợ giáo dục trẻ em mang tên Doraemon” trong gần 20 năm (1996 - 2015).

Sau khi nghỉ hưu, bà tiếp tục đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong Hội Nhà văn Việt Nam: 5 năm là Ủy viên Ban Văn học chuyên đề (phụ trách Văn học thiếu nhi), 5 năm là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn học thiếu nhi, và từ năm 2022 đến nay là Ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi.

Tròn 70 tuổi, nhà văn Lê Phương Liên ra mắt tiểu thuyết dã sử “Nữ sĩ thời gió bụi” (NXB Phụ nữ), một dấu mốc quan trọng trong hành trình sáng tác không ngừng nghỉ của bà.

Với tâm thế “hướng ánh nhìn và tâm nghĩ về cái đẹp”, nhà văn Lê Phương Liên để lại những trang văn giàu chất thơ, hướng thiện và chan chứa tình yêu thiên nhiên, con người. Bà từng chia sẻ: “Với tôi, thiên nhiên là chỗ dựa cho tâm hồn. Trong tất cả tác phẩm, tôi đều để con người hòa hợp với thiên nhiên, đất trời”.

Năm 2025 này, bước sang tuổi 74, nhà văn Lê Phương Liên vẫn miệt mài viết, tích cực tham gia các hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam. Bà cũng đều đặn cập nhật những tâm tư, suy nghĩ, những khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên trên trang cá nhân.

Cả cuộc đời gắn bó với văn chương dành cho thiếu nhi, món quà quý giá mà nhà văn Lê Phương Liên nhận lại là một tâm hồn vẫn trẻ trung, tinh anh, hòa nhã, trong sáng và những trang văn luôn đồng hành cùng bà qua năm tháng cuộc đời...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Lê Phương Liên: Một đời văn dành trọn cho tuổi thơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.