Ngày 26-12, Ủy ban đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nối lại cuộc tranh luận về việc chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là 2 thành viên của NATO chưa phê chuẩn đề xuất của Thụy Điển sau 19 tháng kể từ khi nước này nộp đơn xin gia nhập.
Theo nhiều hãng tin nước ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ đã gắn điều kiện Mỹ bán máy bay chiến đấu F-16 và phụ tùng thay thế cho nước này để đối lấy “cái gật đầu” cho Thụy Điển vào NATO. Đồng thời, Ankara cũng đề nghị các đồng minh NATO khác, bao gồm Canada, dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí từ năm 2019.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết: “Những diễn biến tích cực từ Mỹ liên quan đến vấn đề F-16 và việc Canada giữ lời hứa sẽ thúc đẩy quan điểm tích cực của quốc hội chúng tôi về vấn đề Thụy Điển trở thành thành viên của NATO".
Lực lượng không quân của Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề từ việc Ankara bị trục xuất khỏi chương trình chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của NATO sau khi Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Quyết định trên của Washington đã khiến mối quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ ngày càng rạn nứt.
Thời gian gần đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần hứa sẽ xúc tiến thương vụ bán F-16 trị giá 20 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng các nghị sĩ quốc hội đã ngăn chặn hợp đồng này vì các cáo buộc Ankara vi phạm nhân quyền và căng thẳng với Hy Lạp, một thành viên khác của NATO.
Cuối năm 2019, nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và Canada đã ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối Ankara triển khai chiến dịch quân sự ''Hòa bình mùa xuân'' nhằm vào lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria. Thời điểm đó, lực lượng người Kurd tại Syria được Mỹ hậu thuẫn. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ e ngại sự lớn mạnh của các tay súng này sẽ tạo điều kiện để “giấc mơ” thành lập nhà nước Kurd độc lập tiến gần hơn tới hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.