Khả năng Chính phủ Mỹ phải đóng cửa đã gần như chắc chắn khi sáng 30-9 (giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa chiếm đa số không thông qua dự luật nhằm gia hạn ngân sách chi tiêu của chính phủ thêm 30 ngày để các nghị sĩ 2 đảng có thêm thời gian đàm phán.
Với 198 phiếu thuận, 232 phiếu chống, kết quả bỏ phiếu cho thấy Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ cũng không có một chiến lược rõ ràng nhằm ngăn chặn nguy cơ đóng cửa chính phủ. Dự luật vừa đưa ra đã đính kèm điều khoản về cắt giảm chi tiêu ngân sách và hạn chế nhập cư, điều mà đảng Dân chủ phản đối.
Cắt giảm chi tiêu đồng nghĩa với việc thiếu hàng tỷ USD dành cho hoạt động của các bộ và cơ quan liên bang. Giám đốc ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young đã chỉ trích các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện, đồng thời cho rằng, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nên tuân thủ thỏa thuận chi tiêu mà ông và tổng thống đã thống nhất vào tháng 5 vừa qua.
Hiện tại, cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đang chạy đua với thời gian để tránh xảy ra việc Chính phủ đóng cửa. Trong một phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, ông Kevin McCarthy cho biết: “Hạ viện sẽ tiếp tục làm việc suốt ngày đêm để giữ cho chính phủ luôn mở cửa và ưu tiên các nhu cầu của người dân Mỹ”.
Các nhà lãnh đạo Hạ viện đã thông báo sẽ tiếp tục họp và bỏ phiếu lại vào ngày 1-10, song nội dung bỏ phiếu vẫn chưa được tiết lộ và cũng không biết các nghị sĩ đảng Cộng hòa có đạt được đồng thuận hay không.
Nếu Chính phủ Mỹ đóng cửa, hơn 3,5 triệu nhân viên liên bang, khoảng 1,3 triệu quân nhân Mỹ sẽ làm việc không lương hoặc bị cho nghỉ phép.
Việc chính phủ đóng cửa một phần sẽ không tác động lớn đến các chương trình chi tiêu bắt buộc như an sinh xã hội, chăm sóc y tế… song sẽ ảnh hưởng đến hàng chục bộ và cơ quan phụ thuộc vào quốc hội để phê duyệt các dự luật chi tiêu mới mỗi năm như các bộ Nông nghiệp, Thương mại, Quốc phòng, Giáo dục, Năng lượng, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, An ninh Nội địa, Phát triển Nhà ở và Đô thị, Nội vụ, Tư pháp, Lao động, Giao thông vận tải, Kho bạc...
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng việc chính phủ đóng cửa sẽ "làm suy yếu" sự tiến bộ kinh tế của Mỹ khi trì hoãn các chương trình dành cho doanh nghiệp nhỏ và trẻ em, cũng như có thể cản trở những cải tiến lớn về cơ sở hạ tầng.
Tổng thống Joe Biden cũng cảnh báo việc đóng cửa chính phủ có thể gây thiệt hại nặng nề cho các lực lượng vũ trang.
Nếu dự thảo ngân sách không được thông qua thì đây sẽ là lần đóng cửa thứ 4 của chính phủ Mỹ trong một thập kỷ và chỉ 4 tháng sau khi xảy ra tình trạng bế tắc tương tự khiến chính phủ liên bang trên bờ vực vỡ nợ với khoản nợ công 31.000 tỷ USD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.