Thế giới

Chính phủ Mỹ trước nguy cơ đóng cửa: Có kịp tháo gỡ “bom nổ chậm”?

Hoàng Linh 30/09/2023 - 06:50

Chính phủ Mỹ đã tiến gần đến nguy cơ phải đóng cửa vào ngày 1-10 (giờ địa phương), trong bối cảnh hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tiếp tục không tìm thấy tiếng nói chung để thông qua một loạt dự luật về ngân sách cấp cho tài khóa năm 2024. Nếu "bom nổ chậm" này không được kịp thời tháo gỡ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng...

usa.jpg
Quốc hội Mỹ tiếp tục chạy đua với thời gian để tìm tiếng nói chung, tránh kịch bản chính phủ trước nguy cơ đóng cửa.

Chỉ khoảng 4 tháng sau khi Chính phủ Mỹ thoát khỏi tình huống bị vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, nền kinh tế lớn nhất thế giới lại đang đối diện với một nguy cơ khác không mới, đó là chính phủ có thể bị đóng cửa. Thực tế, trong ngày 28-9, Nhà Trắng đã bắt đầu thông báo về nguy cơ khoảng 2 triệu nhân viên liên bang và 1,3 triệu binh sĩ tại ngũ xứ Cờ hoa sẽ không được chi trả lương, thậm chí phải nghỉ việc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, bộ này đã đặt ra giải pháp trong trường hợp chính phủ đóng cửa.

Những cảnh báo trên tương đồng với dự báo của các chuyên gia tại Ngân hàng Goldman Sachs trước đó, vốn nhận định khả năng chính phủ Mỹ đóng cửa là 90%, với thời gian có thể kéo dài từ 2 đến 3 tuần. Tờ Washington Post dẫn phát biểu của cựu quan chức hàng đầu tại Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng Michael Linden cho biết, các thông báo và dự báo sớm đã phản ánh một thực tế, nguy cơ chính phủ bị đóng cửa trong lần này cao hơn nhiều so với các cuộc chiến chi tiêu gần đây, vốn thường đạt thỏa thuận vào phút chót. Nếu diễn ra, đây sẽ là lần thứ tư Chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong vòng một thập kỷ qua. Lần gần nhất là giai đoạn “đóng băng” 34 ngày hồi năm 2018 do bất đồng về vấn đề an ninh biên giới.

Lối thoát duy nhất nằm ở khả năng các nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ đạt được một đồng thuận trước 0h01 sáng 1-10 theo giờ địa phương (thời điểm bắt đầu năm tài chính mới). Khác với “truyền thống” cuộc bỏ phiếu dự luật ngân sách ở quốc hội thường chứng kiến đối đầu giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, bế tắc lần này lại xuất phát từ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa về vấn đề thuế và chi tiêu, trong đó có gói viện trợ 24 tỷ USD cho Ukraine. Hệ quả là, Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua được bất cứ dự luật chi tiêu nào để cấp kinh phí cho các cơ quan liên bang trong năm tài chính bắt đầu từ ngày 1-10. Trong khi đó, một dự luật tài trợ tạm thời cho chính phủ đang được lưỡng viện thúc đẩy nhưng tiến trình chậm chạp và chưa đạt được kết quả cụ thể nào, dù giải pháp “cấp cứu” này được kỳ vọng sẽ kéo dài thời gian làm việc của chính phủ Mỹ tới ngày 17-11.

Trong phát biểu mới nhất liên quan đến khả năng đóng cửa chính phủ, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định, diễn biến này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo giới quan sát, trong tình huống xấu nhất, tất cả các cơ quan liên bang "không thiết yếu" sẽ phải tạm ngừng hoạt động. Ước tính, 438 cơ quan chính phủ sẽ bị ảnh hưởng, khiến dịch vụ công gián đoạn. Những dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, bao gồm báo cáo việc làm, lạm phát, chi tiêu tiêu dùng vốn đặc biệt quan trọng với các nhà hoạch định chính sách và đầu tư, bị đình chỉ công bố vô thời hạn. Ngoại lệ là một số chương trình liên bang, ví dụ như dịch vụ thư tín. Nhóm này không bị ảnh hưởng vì sử dụng nguồn tài chính nằm ngoài quy trình phân bổ ngân sách hằng năm của Quốc hội Mỹ.

Nền kinh tế Mỹ đương nhiên sẽ chao đảo vì sự cố lần này. Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) sẽ mất hơn 90% nhân viên, đồng nghĩa nhiều hoạt động phải dừng, trong đó có việc phê duyệt các kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Hiệp hội Lữ hành Mỹ cho biết, việc đóng cửa chính phủ một phần sẽ khiến ngành này thiệt hại 140 triệu USD/ngày. Bộ trưởng Bộ Giao thông Mỹ Pete Buttigieg cũng đã lên tiếng cảnh báo việc đóng cửa chính phủ một phần có thể làm gián đoạn hoạt động bay. Theo ước tính của Goldman Sachs, trong giai đoạn này, mỗi tuần Chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ khiến tăng trưởng kinh tế quốc gia giảm 0,2%. Các nhà quan sát cũng lo ngại tác động xấu có thể lan rộng ra ngoài lãnh thổ Mỹ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ảm đạm và có sự kết nối chặt chẽ với xứ Cờ hoa.

Giờ rõ ràng là lúc các nhà lập pháp Mỹ cần tập trung thảo luận để tìm tiếng nói chung trước khi quá muộn. Nỗ lực này cũng sẽ bảo đảm rằng ngay cả khi “quả bom nổ chậm” không thể tháo gỡ kịp thời thì thời gian đóng cửa Chính phủ Mỹ sẽ chỉ ở mức tối thiểu, qua đó hạn chế tối đa những hậu quả không mong muốn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ Mỹ trước nguy cơ đóng cửa: Có kịp tháo gỡ “bom nổ chậm”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.