Đến 9 giờ sáng 17/10, các huyện trong tỉnh Quảng Trị đã di dời được hơn 10.000 hộ dân ở vùng ngập lụt nặng do mưa lũ lớn trong hai ngày qua tới vùng cao an toàn.
Cảnh ngập lụt tại huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. (Ảnh minh họa: Đức Tám/TTXVN) |
Trong hai ngày qua, Lượng mưa đo được ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới đạt từ 200mm đến 300mm. Nước sông Gianh, sông Kiến Giang đã vượt mức báo động 3, gây ngập lụt gần 50.000 hộ dân, trong đó có gần một nửa tổng số hộ dân nói trên ngập sâu trong nước từ 1,5-2m.
Toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ từ tỉnh đến các huyện vùng ngập lụt đã bị chia cắt nhiều chỗ, gây ách tắc giao thông và làm cho việc tổ chức cứu trợ người dân vùng lũ gặp rất nhiều khó khăn.
Như vậy, chỉ chưa đầy 15 ngày, Quảng Bình phải đương đầu với hai đợt mưa lũ lớn nhất từ trước tới nay. Khó khăn, thiệt hại của nhiều vùng lũ đợt trước chưa khắc phục xong lại phải đối phó ngay đợt mưa lũ mới. Lũ chồng lên lũ, cuộc sống của hàng nghìn hộ dân trong tỉnh gặp muôn vàn khó khăn.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình cho biết, ngay trong mưa lũ, tỉnh đã triển khai ngay 4 đoàn công tác về vùng lũ ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy chỉ đạo công tác chống lũ.
Tỉnh đã lập trạm chỉ huy tiền phương chống lũ ở xã Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch) và huy động hàng chục ca nô cùng lực lượng công an, quân đội về vùng rốn lũ cứu người và tài sản. Từ kinh nghiệm trong đợt mưa lũ trước, đợt mưa lũ này, Quảng Bình thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” đối phó với lũ lụt.
Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch huyện Quảng Ninh đang trực tiếp chỉ đạo chống lũ ở các xã khu vực phía Nam huyện cho biết, đêm 16/10, toàn huyện chỉ còn ba xã Hải Ninh, Vĩnh Ninh, Lương Ninh chưa bị ngập, còn 11 xã trong huyện đã bị ngập lụt, trong đó các xã Tân Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh, Hiền Ninh, Trường Xuân đã ngập toàn bộ nhà dân.
Ở thôn Xuân Sơn (xã Vạn Ninh) vào lúc 4 giờ sáng nay có lũ quét, lực lượng xung kích của xã đã kịp thời cứu sống và di dời lên vùng cao 50 người của 15 hộ dân.
Ở huyện Lệ Thuỷ, lúc 4h sáng cùng ngày, huyện đã quyết định cho xả lũ ở hai hồ chứa Cẩm Ly và An Mã vừa để bảo vệ hồ đập vừa bảo vệ tính mạng cho ngàn người dân ở trong khu vực hồ chứa. Đến 9 giờ sáng nay, toàn huyện Lệ Thủy đã có hơn 20.000 hộ dân đã bị ngập sâu trong nước.
Các tuyến đường Quốc lộ 12A, đường Quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ lụt đầu tháng 10, vừa tạm khắc phục bảo đảm thông xe phục vụ công tác cứu trợ nhân dân vùng lũ, thì nay mưa lũ tiếp tục làm sạt lở hàng trăm điểm với hàng ngàn khối đất đá gây ách tắc giao thông.
Trong khi đó, tại Thừa Thiên-Huế, do ảnh hưởng của mưa lũ và lốc xoáy trong mấy ngày qua, đã có 1 người chết, 1 người mất tích do nước cuốn trôi chưa tìm thấy xác, 7 người khác bị thương. Riêng cơn lốc xảy ra ngày 15/10 tại bản Hạ Long, xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) làm sập 5 nhà, 37 nhà khác bị tốc mái, 20ha cao su, keo, tràm bị gãy đổ, nhiều diện tích hoa màu như lạc, sắn... bị thiệt hại; 5 tấn lúa và lạc bị ướt. Hệ thống điện, nước sạch bị hư hỏng.
Đường Hồ Chí Minh tại Km 319+980 (đèo Pê ke, xã Hồng Thuỷ, huyện A Lưới) bị sạt taluy âm và taluy dương và phần nền mặt đường, chiều dài 160m, với khoảng 20.000m 3 đất đá gây ách tắc giao thông.
Ngay sau khi lốc xảy ra, lãnh đạo tỉnh đã đến Trung tâm y tế huyện thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người bị thương 1,5 triệu đồng/người, hỗ trợ gia đình có người chết 4,5 triệu đồng/người; bố trí nơi ở cho các hộ dân bị tốc mái, nhà sập.
Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo xuất 1,4 tấn gạo, 200 thùng mì tôm, 500 lít nước uống, 120 đèn dầu, 1.500 tấm lợp cho nhân dân, đồng thời huy động 100 cán bộ chiến sĩ Bộ chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện và 300 dân quân tự vệ tại chổ phối hợp với 80 cán bộ chiến sĩ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh giúp dân lợp lại nhà cửa, đến sáng 17/10 đã cơ bản giúp dân khắc phục nhà cửa, ổn định đời sống.
Sở Công Thương đã tổ chức dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống lụt bão; các huyện, thị xã và thành phố Huế đã dự trữ tại chỗ được 246,5 tấn gạo, 154,2 tấn mì ăn liền, 118.470 lít xăng dầu, 3,5 tấn muối đề phòng mưa lũ kéo dài./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.