(HNMO) - Xúc tiến, quảng bá du lịch đã và đang là giải pháp hữu hiệu để thu hút, thúc đẩy phát triển du lịch. Tuy nhiên, hoạt động này tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành du lịch, cũng như chưa ngang tầm với các nước trong khu vực vì nhiều nguyên nhân.
Yếu về nhận diện thương hiệu
Nhiều năm trở lại đây, hoạt động quảng bá du lịch không chỉ được ngành du lịch mà cả các công ty lữ hành, kinh doanh du lịch tập trung đẩy mạnh. Nhiều hoạt động liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong xúc tiến, quảng bá du lịch được triển khai mạnh mẽ. Ngành du lịch cũng tiến hành những hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam ở các nước được cho là tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Indonesia…
Dù vậy, công tác quảng bá chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tại tọa đàm trực tuyến "Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá" vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những điểm hạn chế của việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam là việc thiếu nguồn kinh phí và chưa có những sản phẩm mang tính đặc trưng rõ nét.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet phân tích, công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới còn hạn chế vì ngân sách còn quá ít, khoảng 2 triệu USD, so với các nước trong khu vực là hơn 100 triệu USD (Việt Nam chỉ bằng 1/50 so với các nước bạn).
Đánh giá tổng thể về hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist nhận định, một trong những hạn chế khi phát triển hình ảnh du lịch Việt Nam đó là việc nhận diện thương hiệu du lịch Việt còn yếu.
Ông Thắng lấy ví dụ, khi nói đến Bali thì người ta hình dung ra Indonesia, nói đến tòa tháp đôi Petronas người ta nhớ đến Malaysia, nói đến di sản Angkor là du khách biết ngay đến Campuchia…, trong khi đó Việt Nam chưa tạo được hình ảnh du lịch riêng biệt như vậy.
Về vấn đề này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia TAB cũng cho rằng, nhiều năm nay, Việt Nam tăng cường nhiều hoạt động quảng bá du lịch ở những hội chợ quốc tế như ITB ở Berlin (Đức) hay WTM ở London (Anh)…
Tuy nhiên, tại những hội chợ du lịch quốc tế này, gian hàng của Việt Nam vẫn chưa thật sự thu hút, ấn tượng do thiếu sự nổi bật và chuyên nghiệp. Dù rằng gần đây, các gian hàng của Việt Nam tại những hội chợ du lịch quốc tế đã được đầu tư hơn, gây chú ý hơn nhưng để đi con đường dài, du lịch Việt Nam cần có sự đầu tư đồng bộ và đặc biệt là cần phải có bản sắc riêng.
Chủ động tháo gỡ khó khăn
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt xấp xỉ 10 triệu lượt (tăng 7,9% so cùng kỳ năm 2018); tổng thu từ khách du lịch đạt 401.000 tỷ đồng (tăng 8,67% so cùng kỳ năm 2018). Dự kiến năm 2019, ngành du lịch sẽ đón, phục vụ khoảng 17,5 đến 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng.
Với mục tiêu lớn này, ngành du lịch đặt ra nhiều nhiệm vụ cần làm, trong đó hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh Việt Nam là một trong những việc phải được chú trọng. Để thực hiện được điều này, ngành du lịch cần có một chiến lược dài hơi, bài bản.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, (Tổng cục Du lịch) Đinh Ngọc Đức, cách đây 14 năm, chủ trương hình thành Quỹ phát triển du lịch đã có, nhưng do còn nhiều vướng mắc và hạn chế về cơ chế, nguồn lực tài chính, con người… nên Quỹ này vẫn chưa thành lập được.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một đề án chi tiết để hình thành Quỹ phát triển du lịch, trong đó quy định rõ ngân sách cho Quỹ khoảng 300 tỷ đồng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao cho Tổng cục Du lịch nghiên cứu sớm hoàn thiện bộ máy để có thể nhanh chóng đưa Quỹ vào vận hành.
Việc thành lập Quỹ phát triển du lịch đang được xem là cần thiết để hỗ trợ phát triển du lịch một cách đồng bộ, bài bản, đặc biệt là hoạt động quảng bá. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều trăn trở cho những người làm du lịch.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet băn khoăn, khi Quỹ đi vào hoạt động thì ngành du lịch cần phải đầu tư thế nào cho hiệu quả cũng là vấn đề phải suy nghĩ từ bây giờ.
“Cơ quan nhà nước cần có chiến lược tổng thể, bài bản và sẽ phải đóng vai trò nhạc trưởng. Phát triển du lịch cần gắn với phát triển văn hóa để phát huy hiệu quả hơn nữa tiềm năng du lịch của Việt Nam”, ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.
Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong cũng bày tỏ quan điểm, có Quỹ phát triển du lịch là một điều rất đáng mừng, nhưng dù chưa có Quỹ thì ngành du lịch vẫn phải chủ động làm các hoạt động xúc tiến, quảng bá.
Theo ông Phùng Xuân Khánh, việc du lịch Việt Nam nhiều năm trở lại đây đạt được sự tăng trưởng mạnh, một phần là do sự chủ động của ngành. Thời gian tới, ngành du lịch cần phát triển, tăng cường thu hút thêm nhiều doanh nghiệp có tiềm năng, năng lực chuyển hướng phát triển sang ngành du lịch.
Ngành du lịch đang tự đặt ra một mục tiêu lớn để thực hiện trong tương lai, trước mắt là năm 2019 sẽ đón từ 17,5 đến 18 triệu khách quốc tế, và mục tiêu xa hơn là sẽ vượt qua được những nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Singapore... về lượng khách quốc tế. Để làm được điều đó rõ ràng khâu quảng bá, xúc tiến đầu tư cho du lịch cần phải được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp và mang tính đột phá hơn.
Việc quảng bá du lịch không chỉ đến từ các cơ quan quản lý, nỗ lực của các công ty lữ hành mà mỗi người Việt Nam đều có thể là sứ giả du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của du lịch Việt Nam bằng chính nền tảng văn hóa và ứng xử văn minh, lịch thiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.