(HNM) - Hôm qua 15-12-2013, văn bản quy phạm pháp luật mới nhất liên quan đến các loại công việc mà lao động nữ Việt Nam không được làm chính thức có hiệu lực. Có gần 80 loại việc được nêu trong quy định nói trên (Thông tư số 26/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
Trong danh mục được nêu tại thông tư này, gần một nửa là loại việc mà tất cả lao động nữ không được làm, nửa còn lại là việc mà phía sử dụng lao động không được giao cho phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con nhỏ (từ 1 tuổi trở xuống). Đó là một bước tiến nữa trong việc hiện thực hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo vệ nữ quyền nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích của lao động nữ nói riêng. Dù còn phải bàn thêm về tính hợp lý trong việc xác định danh mục công việc không dành cho phụ nữ, đặc biệt là sự phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhưng Thông tư số 26 rõ ràng là cần thiết.
Nói vậy là bởi trong thời gian qua, dù hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến quyền của lao động nữ tại Việt Nam đã tương đối đầy đủ, bao gồm những điều luật riêng đối với lao động nữ trong Bộ luật Lao động, về bình đẳng giới, về tổ chức công đoàn… nhưng thực tế cho thấy nhiều lao động nữ ở Việt Nam vẫn còn phải chịu thiệt thòi, vẫn phải làm những việc không có lợi cho sức khỏe và gây ảnh hưởng xấu tới nhân phẩm của họ. Phụ nữ phải làm việc bốc vác nặng nhọc, bất đắc dĩ chọn việc trong các cơ sở dịch vụ "nhạy cảm" mà không nhận được sự giám sát đầy đủ từ phía cơ quan chức năng và các tổ chức liên quan đến bảo vệ nữ quyền. Có những người làm việc trong môi trường lao động chỉ phù hợp với nam giới. Có nhiều trẻ em nữ phải lao động trước tuổi, làm việc trong điều kiện không phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi. Đó là những trường hợp có thể bắt gặp dễ dàng trong cuộc sống hiện đại.
Những hạn chế trong việc sử dụng lao động nữ có nhiều nguyên nhân, chủ yếu thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sử dụng lao động. Sự hạn chế còn có nguyên nhân từ chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn, tổ chức xã hội liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ nói chung và lao động nữ nói riêng. Nhiều phụ nữ phải "nhắm mắt" làm việc không phù hợp còn là do hoàn cảnh thúc đẩy, bởi họ ở trong điều kiện kinh tế khó khăn, không đủ trình độ để có thể tiếp cận với mô hình việc làm thuận lợi… Hệ quả xấu không phải là nhỏ, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, chất lượng giống nòi trong tương lai.
Điều đáng nói là những vi phạm trong việc sử dụng lao động nữ diễn ra trong bối cảnh hệ thống luật pháp đã có những quy định từ lâu rồi, cho thấy ý thức và hiệu quả giám sát việc thực hiện luật, quy định còn hạn chế, cần phải cải thiện tình hình nhằm phát huy hiệu quả của việc ban hành văn bản pháp quy trong thực tế. Để tránh hiện tượng văn bản pháp quy bị vô hiệu hóa, việc tuyên truyền về quyền của lao động nữ, giám sát thực hiện quy định mới về sử dụng lao động nữ cần phải được tăng cường nhằm loại bỏ hành vi vi phạm. Hiệu quả giám sát chỉ có thể có được khi các bên liên quan làm tốt phần việc được giao, xử lý nghiêm đối với những trường hợp sử dụng lao động sai quy định. Các bên, như đã nói, bao gồm cơ quan quản lý ngành, chính quyền địa phương, tổ chức công đoàn, hội phụ nữ và các tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích của lao động nữ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.