(HNMCT) - Thủ đô Hà Nội, Quân chủng Phòng không - Không quân nói riêng và cả nước nói chung đã và đang có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Mục đích, ý nghĩa hướng tới không gì khác nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng lịch sử, có ý nghĩa thời đại thể hiện sâu sắc ý chí độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam và truyền thống đánh giặc giữ nước vẻ vang của quân và dân ta.
Được biết, ngay từ tháng 5-2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-TU về tổ chức các hoạt động kỷ niệm với yêu cầu, các hoạt động kỷ niệm phải có tính giáo dục cao, qua đó ôn lại truyền thống vẻ vang, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bồi dưỡng tình cảm yêu nước, vận dụng những bài học kinh nghiệm vào công cuộc xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Một mục tiêu khác cũng được đặt ra là các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm phải bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Thực hiện chỉ đạo đó, những ngày qua, nhiều hoạt động kỷ niệm, trong đó có các trưng bày, triển lãm với những hiện vật cụ thể, nhân chứng sống đã được tổ chức nhằm giúp người dân có cái nhìn trực quan, sinh động về tinh thần vượt khó khăn, gian khổ, mất mát, chiến đấu anh dũng và chiến công hiển hách của quân và dân ta. Có thể kể tên một số hoạt động như Trưng bày tài liệu lưu trữ “Hà Nội, ký ức 12 ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không” do Chi cục Văn thư - Lưu trữ Hà Nội (Sở Nội vụ Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) tổ chức; trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng” do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức...
Đặc biệt, sau gần 5 tháng khẩn trương thi công, công trình cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Chiến thắng B52 đã được khánh thành, mở cửa đón du khách tham quan. Được đánh giá là có thiết kế cải tạo theo hướng hiện đại, số hóa, tăng khả năng tương tác, khai thác, tra cứu, du khách đến bảo tàng sẽ dễ dàng, thuận lợi trong quá trình tham quan, tìm hiểu thông tin. Đó là những thông tin đáng mừng không chỉ với người dân Thủ đô, nhất là với giới trẻ, đối tượng lâu nay vẫn thường khiến dư luận e ngại vì không thông thạo lịch sử nước nhà.
Những hoạt động đó càng thêm ý nghĩa khi ngày 9-12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”. Mục tiêu đặt ra đối với hệ thống bảo tàng là đến năm 2025, 70% trong hệ thống bảo tàng xây dựng và triển khai chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật cho mọi người dân, trong đó chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp và ứng dụng giới thiệu, trưng bày các chuyên đề trên không gian số và đến năm 2030 đạt 100%. Với sự phấn đấu đó, tập trung nâng cao chất lượng trưng bày theo hướng hấp dẫn, sinh động, đến năm 2025, số lượt khách tham quan chọn bảo tàng để nghiên cứu, học tập có mức tăng bình quân 10%/ năm và tăng bình quân 10 - 15%/ năm kể từ năm 2030.
Mục tiêu đã rõ, quan trọng là việc cụ thể hóa bằng những hoạt động sinh động, hấp dẫn để không còn phải lo ngại về việc có một bộ phận giới trẻ không thiết tha với môn lịch sử, dẫn tới “hổng” kiến thức lịch sử. Bên cạnh bảo tàng, đã đến lúc các trường học cũng cần có sự chuyển động mạnh mẽ hơn trong việc nâng cao chất lượng, phương pháp dạy và học để giúp học sinh chủ động, hứng thú tiếp thu kiến thức thay vì những bài giảng, buổi nói chuyện khô khan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.