Bí thư Quận ủy Tây Hồ yêu cầu UBND các phường tổng rà soát các hộ dân, nhân khẩu, nhà cấp 4 khu vực ngoài đê sông Hồng để chuẩn bị phương án di dời trong trường hợp nước lũ dâng cao khi có chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.
Chiều 10-9, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì cuộc họp khẩn về công tác ứng phó với tình trạng mực nước sông Hồng tăng nhanh, có khả năng gây ngập lụt tại một số địa bàn ngoài đê của quận Tây Hồ.
Báo cáo nhanh về công tác phòng, chống bão số 3, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, quận Tây Hồ đã không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trong bão số 3.
Trước thực tế mực nước sông Hồng dâng cao, ngay trong đêm 9-9, UBND các phường ven sông trên địa bàn quận gồm: Yên Phụ, Tứ Liên, Phú Thượng, Nhật Tân đã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân sinh sống, canh tác tại khu vực bị ngập di dời người, tài sản tới nơi an toàn.
Hiện, quận Tây Hồ đã bố trí lực lượng chức năng ứng trực tại các khu vực này. Điện lực Tây Hồ cũng đã chủ động cắt điện tại khu bị ngập lụt để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Nhấn mạnh mực nước sông Hồng đã vượt qua báo động 1, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng yêu cầu UBND các phường tổng rà soát các hộ dân, nhân khẩu, nhà cấp 4 khu vực ngoài đê sông Hồng để chuẩn bị phương án di dời trong trường hợp nước lũ dâng cao khi có chỉ đạo của UBND thành phố...
Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ, đến nay, quận đã di dời 245 nhân khẩu tại khu vực bãi sông Hồng và bãi giữa sông Hồng đến nơi an toàn.
Hiện, UBND phường Phú Thượng đã chuẩn bị phương án di dời khoảng 1.116 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu về trung tâm văn hóa của phường và nhà sinh hoạt các tổ dân phố trong trường hợp các tổ dân phố ngoài đê trên địa bàn bị ngập ở mức nguy hiểm.
UBND phường Yên Phụ cũng đã có phương án di dời khoảng 130 hộ dân với trên 500 nhân khẩu về trung tâm văn hóa phường và nhà sinh hoạt các tổ dân phố khi mực nước sông Hồng dâng cao, gây ngập lụt các khu dân cư trũng, thấp.
Đồng chí Lê Thị Thu Hằng cũng yêu cầu các lực lượng chức năng quận tổ chức giải tỏa kịp thời cây xanh bị đổ, gãy, dây điện trùng võng không để ùn tắc giao thông. Đặc biệt, rà soát trong số 828 cây xanh bị gãy đổ số lượng cây có thể khôi phục và trồng lại để khẩn trương thực hiện.
Bí thư Quận ủy Tây Hồ cũng đề nghị các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc; rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống thiên tai, chuẩn bị các phương án ứng phó trong mọi tình huống theo phương châm “Ba sẵn sàng”, “Bốn tại chỗ”; quan tâm các hộ độc thân, neo đơn, người già, người yếu thế… để có phương án hỗ trợ; thăm hỏi, động viên.
Đặc biệt, cần đảm bảo an toàn đê điều, thủy lợi, giao thông, phòng, chống cháy nổ, an toàn lưới điện, thông tin, chiếu sáng, nước sạch, vệ sinh môi trường khi tình huống khẩn cấp xảy ra.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần chuẩn bị, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai; cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống bão, lũ… góp phần hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống sau mưa lũ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.