(HNM) - Cả hiệu trưởng, hiệu phó của một trường THCS ở Cà Mau bị kỷ luật vì mâu thuẫn liên quan đến việc dạy thêm, học thêm và một giáo viên ở TP Hồ Chí Minh không được xét thi đua cũng vì vi phạm quy định về hoạt động này.
Để quản lý dạy thêm, học thêm hiệu quả, cần thay đổi phương pháp dạy học, thi cử cũng như cải thiện chế độ tiền lương cho giáo viên.Ảnh: Viết Thành |
Khó cấm?
Mấy ngày nay, bố mẹ bé Lê Quang Minh, Trường Tiểu học Thạch Bàn A (Long Biên) băn khoăn về việc có nên đăng ký cho con học thêm không. “Tôi nghĩ con đã học 2 buổi/ngày ở trường, không nhất thiết phải học thêm. Song, có đến nửa số học sinh trong lớp đều học thêm ở nhà cô giáo vào ngày cuối tuần, nếu không tham gia lớp này, tôi sợ con không theo kịp các bạn và có thể khiến cô giáo không hài lòng…” - anh Lê Anh Tuấn, bố bé Lê Quang Minh băn khoăn.
Ngoài lịch học chính khóa buổi sáng, Nguyễn Đức Anh, học sinh lớp 9 một trường THCS ở quận Hoàn Kiếm có 6 ca học các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh và 2 buổi học toán tại nhà với gia sư. Lịch học này được cố định từ đầu tháng 8 và dự kiến sẽ kéo dài tới trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào tháng 6-2018. Theo mẹ của Nguyễn Đức Anh, đây là kỳ thi có tính cạnh tranh cao, thậm chí khó hơn cả kỳ thi tuyển sinh đại học, nên dù biết con mệt, gia đình vẫn động viên con cố gắng. Thực tế cho thấy, nếu không học thêm, các con khó có thể đạt điểm giỏi để đỗ vào các trường THPT tốp đầu như: Chu Văn An, Việt - Đức, Trần Phú…
Có lẽ, hiếm quy định nào của ngành Giáo dục lại gặp trắc trở như với dạy thêm, học thêm. TP Hồ Chí Minh từng khiến dư luận tranh cãi, thậm chí phản ứng mạnh mẽ khi cấm hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm ở tất cả các trường; không cho phép giáo viên đứng lớp lại dạy thêm cho học sinh chính khóa lớp đó trong bất cứ trường hợp nào, nếu vi phạm sẽ bị xử lý ở mức cao nhất là đuổi việc… TP Hải Phòng cũng từng kỷ luật một số giáo viên sau khi đoàn kiểm tra trực tiếp đến tận nơi giáo viên dạy thêm để lập biên bản.
Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 1,7 triệu học sinh, cũng đối mặt với những tiêu cực của việc dạy thêm, học thêm. Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, để ngăn chặn tình trạng này, Hà Nội đã đề ra những nguyên tắc buộc giáo viên phải tuân thủ như: Không dạy thêm trước chương trình, không cắt giảm nội dung trong chương trình chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm, số giờ học thêm không vượt số giờ học chính khóa trong ngày…
Cần điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách
Cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập và phát triển toàn diện. Ảnh: Nhật Nam |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, việc dạy thêm, học thêm là vấn đề tồn tại từ lâu, gây bức xúc trong xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều giải pháp để chấn chỉnh, trong đó yêu cầu địa phương tăng cường quản lý, giám sát, đồng thời hướng dẫn cơ sở triển khai hoạt động này theo quy định. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, không cấm dạy thêm, học thêm chính đáng, hợp lý và tự nguyện, mà chỉ cấm dạy thêm, học thêm tràn lan, sai quy định.
Tuy nhiên, để hợp thức hóa việc dạy thêm, phụ huynh đều được nhà trường hỗ trợ, hướng dẫn cách viết đơn đăng ký tự nguyện cho con học thêm. Vì vậy, khó có thể xác định được ranh giới giữa việc tự nguyện thực sự và buộc phải tự nguyện của phụ huynh, nên việc xử phạt với các trường hợp này rất khó khăn, thậm chí khó khả thi.
Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm ban hành năm 2012, trong đó quy định cấm dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học và với học sinh đã được học 2 buổi/ngày. Song, 5 năm trôi qua, tình trạng dạy thêm, học thêm ở các đối tượng này vẫn tồn tại.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cho biết, trong số 8 trường THCS trên địa bàn quận, chỉ 1 trường được phép tổ chức dạy thêm, học thêm, vì chưa dạy học 2 buổi/ngày. Việc quản lý dạy thêm, học thêm tại trường không khó, nan giải nhất là việc kiểm soát các trường hợp dạy, học thêm bên ngoài nhà trường, bởi hình thức tổ chức đa dạng, vừa mang tính chất gia đình, vừa mang tính chất xã hội...
Ngoài ra, quy định "Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường” của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, vô tình tạo kẽ hở cho giáo viên. Cách thức được nhiều người áp dụng là đăng ký dạy thêm ở bên ngoài nhà trường, sau đó thông báo cho học sinh địa điểm. Hay quy định “Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa, khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó” là khó khả thi. Bởi lẽ, nếu là giáo viên giỏi thì hầu hết học trò đều muốn được học và họ là người trực tiếp dạy nên hiểu rõ học trò của mình… Và việc xin phép thủ trưởng đơn vị cũng không khó khăn.
Theo chị Hoàng Thị Ngân, phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Đống Đa), không bố mẹ nào lại muốn con mệt mỏi vì phải học thêm nhiều. Học thêm cần xuất phát từ nhu cầu và sự tự nguyện của học sinh, chứ không phải theo cách “bắt buộc phải tự nguyện” như vậy. Nếu học sinh được tự nguyện theo đúng nghĩa, những tiêu cực từ việc dạy thêm chắc chắn sẽ giảm...
Như vậy, tuy có quy định nhưng còn nhiều kẽ hở. Để "bịt" được những lỗ hổng này, cơ quan chức năng cần bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách về lương của giáo viên, về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy... Đó có lẽ mới là giải pháp gốc để giải quyết triệt để tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.
Theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, mức phạt cho hành vi vi phạm quy định dạy thêm, học thêm là từ 1 đến 12 triệu đồng. Nếu dạy thêm sai đối tượng, không đúng nội dung được cấp phép thì người dạy sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm từ 6 đến 12 tháng và nếu tổ chức dạy thêm khi chưa được cấp phép sẽ bị đình chỉ hoạt động dạy thêm từ 12 đến 24 tháng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.