(HNM) - Trong khi số vụ vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng chưa xử lý xong thì từ đầu năm 2016 đến nay trên địa bàn thành phố lại phát sinh gần 300 vụ vi phạm mới, trong đó có nhiều công trình xây dựng không phép, trái phép. Vấn đề đặt ra là có nên xem xét, thu gom đầu mối và phân cấp triệt để cho quận, huyện, thị xã, nhằm phát huy hiệu quả trong giải quyết công việc ở từng lĩnh vực?
Nhà siêu mỏng, siêu méo trên phố Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy). Ảnh: Anh Tuấn |
Phân cấp "nửa vời"
Theo báo cáo của Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Hùng, dù công tác thanh tra, kiểm tra về trật tự xây dựng (TTXD) được tăng cường nhằm ngăn chặn việc lấn chiếm đất, xây dựng không phép, song trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều công trình xây dựng sai quy hoạch, sai phép, lấn chiếm không gian, khoảng lùi không bảo đảm quy định, gây ảnh hưởng đến công trình liền kề. Thống kê số vụ tồn đọng năm 2015 và phát sinh mới 6 tháng đầu năm 2016, toàn thành phố có 612 công trình vi phạm TTXD (phát sinh gần 300 vụ), đa phần là lấn chiếm đất nông nghiệp, sai phép, sai quy hoạch.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do chính quyền cơ sở chưa chỉ đạo quyết liệt trong xử lý vi phạm; trong khi quy trình xử lý vi phạm áp dụng liên quan đến xử lý vi phạm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất công chưa đồng bộ về trình tự, thời gian, thẩm quyền. Cụ thể, việc xử lý vi phạm được áp dụng theo cả Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 180/2007/NĐ-CP, Nghị định 121/ 2013/NĐ-CP, Nghị định 102/2014/NĐ-CP, mỗi nơi áp dụng một nghị định, không đồng nhất, dẫn đến kéo dài thời gian xử lý, vi phạm chậm được khắc phục.
Ngoài ra, thực tiễn cho thấy những bất cập trong thực hiện Nghị định 26/2013/NĐ-CP chuyển đổi mô hình hoạt động của Thanh tra xây dựng quận, huyện, phường, xã, thị trấn bằng lực lượng Thanh tra của Sở Xây dựng. Theo phản ánh của cử tri khi tiếp xúc với đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội, lực lượng Thanh tra xây dựng do Sở Xây dựng quản lý, phân công xuống từng địa bàn quận, huyện, thị xã thực thi nhiệm vụ hiệu quả công tác không cao, thậm chí có hiện tượng “bật đèn xanh” cho xây dựng sai phép. Khắc phục những bất cập này, tháng 7-2016, UBND TP Hà Nội quyết định giao lực lượng Thanh tra xây dựng địa bàn cho UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành toàn diện để thực hiện nhiệm vụ quản lý TTXD, nhưng Sở Xây dựng lại quản lý về mặt nhân sự và trả lương, các chế độ khác theo quy định về hoạt động của Thanh tra xây dựng.
Theo bà Vũ Thu Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên, việc phân cấp trên vẫn "nửa vời". Cấp quận, huyện không quản về con người, không trả lương, chế độ phụ cấp thì rất khó xác định hiệu quả công việc. Nếu lực lượng Thanh tra xây dựng làm ngơ cho vi phạm thì cũng khó xử lý trách nhiệm, trong khi đó người chịu trách nhiệm lại là người đứng đầu chính quyền các cấp. Chính vì "lỗ hổng" này, mà quận Long Biên đã phải chỉ đạo chính quyền cơ sở "trông chừng" vi phạm giúp thêm cho lực lượng này. Cùng quan điểm, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho rằng, đội Thanh tra xây dựng đang là lực lượng trung gian, còn trách nhiệm cuối cùng trong xử lý vụ việc vẫn là chính quyền.
Kiến nghị giao cấp quận, huyện quản lý
Tại các buổi giám sát về thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về tổng biên chế hành chính năm 2016 của Ban Pháp chế HĐND thành phố, nhiều quận, huyện kiến nghị UBND thành phố cần phân cấp quản lý toàn diện, thống nhất, cả con người cũng như công việc của lực lượng Thanh tra xây dựng cho chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho rằng, lực lượng Thanh tra xây dựng đang có sự phân cấp không hợp lý, nên hiệu quả công việc chưa cao. UBND thành phố cần xem xét, thu gom đầu mối và phân cấp triệt để cho quận, huyện, thị xã, nhằm phát huy hiệu quả trong giải quyết công việc ở từng lĩnh vực.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Dương Cao Thanh kiến nghị, đưa lực lượng Thanh tra xây dựng về làm một bộ phận của Phòng Quản lý đô thị, chức danh cán bộ quản lý TTXD cho phù hợp thực tiễn. Bởi, đối chiếu với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cán bộ Phòng Quản lý đô thị có quyền lập biên bản vi phạm TTXD đô thị - chức năng hoạt động như Thanh tra xây dựng đang thực hiện là được quyền kiểm tra, lập biên bản, thiết lập hồ sơ vi phạm và kiến nghị UBND các cấp xử lý.
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam khẳng định, hướng tới một Thủ đô văn minh, hiện đại, 3 năm liên tiếp Hà Nội lựa chọn, thực hiện chủ đề "Năm trật tự xây dựng và văn minh đô thị" để siết chặt công tác quản lý đô thị. Thực tế giám sát tại các địa phương cho thấy, lực lượng Thanh tra xây dựng đang hoạt động không hiệu quả, thậm chí còn gây khó cho chính quyền cơ sở.
Trước những ý kiến, kiến nghị cũng như những bất cập trong phân cấp, Ban Pháp chế HĐND thành phố sẽ cùng với Sở Nội vụ rà soát, tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, để điều chỉnh hoạt động này cho phù hợp thực tiễn và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.