(HNM) - Với khoảng 8.000 lễ hội (LH) lớn nhỏ diễn ra mỗi năm khắp mọi miền đất nước, năm nào cũng vậy công tác quản lý, tổ chức LH chưa vào mùa đã “nóng”.
Cần hạn chế những bất cập
Theo Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH-TT&DL), những năm gần đây, công tác quản lý, tổ chức LH cơ bản đã thực hiện đúng quy định. Nhiều LH được tổ chức ngày càng tốt hơn như Yên Tử, đền Cửa Ông (Quảng Ninh), Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), chùa Hương (Hà Nội)... Tuy nhiên, công tác quản lý, tổ chức LH vẫn còn một số vấn đề bất cập cần khắc phục, nhất là ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân và du khách.
Lực lượng chức năng nhắc nhở các hộ kinh doanh tại chùa Hương không lấn chiếm đường đi. Ảnh: Khánh Huy |
Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở cho rằng, chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho ban tổ chức các LH trước hiện tượng người dân vứt rác, xả rác không đúng nơi quy định, bẻ cành cây, trèo tường, thậm chí leo trèo lên tượng Phật, tượng Thánh thần, rồi chen lấn, xô đẩy, tranh cướp mang tính bạo lực…
Nhiều người tham gia LH nhưng không ý thức được mục đích của việc hành lễ là nhằm tưởng nhớ công ơn đối với các bậc tiền nhân, là để gửi gắm niềm tin vào điều chân - thiện - mỹ, để sống tốt hơn, nhân nghĩa hơn. Đây là một thực trạng đáng báo động về văn hóa ứng xử nơi công cộng, chốn linh thiêng.
Bà Trịnh Thị Thủy cho biết thêm, khi đề cập đến ý thức, trách nhiệm của chính quyền các địa phương, các đơn vị quản lý, lâu nay chúng ta vẫn thường đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan như không gian LH chật hẹp, lượng người tham gia đông, vượt quá khả năng đáp ứng của các di tích và lực lượng phục vụ. Rõ ràng, nếu các đơn vị tổ chức kịp thời rút kinh nghiệm để LH năm sau tốt hơn năm trước, chắc chắn những hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa sẽ từng bước giảm.
Một nguyên nhân nữa được chỉ ra là công tác sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu khoa học về các di tích, LH chưa sâu dẫn đến việc phục dựng có nơi tùy tiện, không đúng với bản chất của LH. Điển hình như LH Ná Nhèm - “mặt nhọ” tổ chức ở xã Trấn Yên (Bắc Sơn, Lạng Sơn) - một nghi lễ thờ Thành hoàng làng, nhắc nhớ lại truyền thống chống giặc giữ làng và cầu an, cầu mùa đầu năm mới.
Thế nhưng, lễ rước linh vật sinh thực khí vốn là nét độc đáo của LH Ná Nhèm lại được tổ chức không đúng bản chất. Về vấn đề này, TS Trần Thị Tuyết Mai (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cảnh báo: LH cổ truyền đang bị đơn điệu hóa, trần tục hóa, thương mại hóa.
Từ sự phân tích trên có thể nhận thấy, rất cần có những giải pháp để hạn chế bất cập, hạn chế tồn tại trong LH, nhất là các giải pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và ban tổ chức các LH.
Không thể không xây dựng văn hóa ứng xử
Để LH diễn ra văn minh, PGS.TS Lê Ngọc Thắng (Trường Cán bộ Quản lý văn hóa thể thao du lịch) cho rằng, các cơ quan, đơn vị chức năng không xây dựng văn hóa ứng xử trong LH làm chuẩn mực giá trị. Bởi LH là nơi tụ họp, tụ hội rất nhiều thành viên trong và ngoài cộng đồng (làng, bản, tộc người, quốc gia…) cùng tham dự. Mỗi người tham gia LH đều mang theo những vốn kiến thức và hành vi sẵn có ở mức độ rất khác nhau. Có người được đào tạo, giáo dục, có người chưa từng được tiếp cận kiến thức, có người theo bản năng tự nhiên…
Theo ông Vũ Anh Tú (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), việc xây dựng quy tắc ứng xử trong LH cần có quy tắc chung và riêng cho phù hợp với từng nhóm đối tượng. Quy tắc chung có thể là yêu cầu về tác phong, thái độ ứng xử văn minh, lịch sự nơi công cộng; giữ gìn môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, bảo vệ các công trình công cộng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... Đối với chính quyền địa phương và ban tổ chức LH, trang phục phải lịch sự, gọn gàng, phù hợp với công việc; ứng xử đúng mực, tôn trọng những người tham dự LH...
Với người dân địa phương, khi đến LH nên mặc trang phục lịch sự, phù hợp; không nói lời thô tục, thiếu văn hóa, xúc phạm tâm linh; thân thiện, mến khách; tích cực hưởng ứng các phong trào xã hội về bảo vệ môi trường… “Những chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử sẽ góp phần xây dựng, hình thành nét đẹp văn hóa trong LH”, ông Vũ Anh Tú nhận định.
Cùng với việc xây dựng quy tắc ứng xử, TS Trần Hữu Sơn, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam kiến nghị các cơ quan quản lý nên xây dựng các chế tài xử phạt phù hợp. Chẳng hạn như xử phạt các chủ dịch vụ giữ xe “chặt chém” khách, các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, người gây rối, cầm đầu trong đám đông vi phạm các chuẩn mực ứng xử trong LH…
Các địa phương có LH đang xây dựng kế hoạch tổ chức LH Xuân Đinh Dậu. Hy vọng, chính quyền các địa phương, ban tổ chức các LH quan tâm đến việc xây dựng văn hóa ứng xử để hoạt động này dần đi vào nền nếp, góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.