Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý, tổ chức lễ hội: Hành động cụ thể, không nói suông

Hoàng Lân| 24/02/2017 15:46

(HNMO) – Hôm nay (24-2), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tổ chức sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Đinh Dậu năm 2017.

Trong buổi sơ kết lễ hội xuân Đinh Dậu năm 2017, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL yêu cầu các địa phương nghiêm túc khắc phục những tồn tại để năm sau không tái diễn những hình ảnh phản cảm, tiêu cực (Ảnh: hình ảnh người dân chen nhau lấy lộc trong lễ khai hội chùa Hương 2017)


* Đồng bộ từ các cấp quản lý đến cộng đồng dân sinh


Mùa lễ hội Xuân Đinh Dậu 2017 sắp kết thúc, bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý tốt hơn thì vẫn tồn tại những hạn chế. Hạn chế này đã được báo giới phản ánh rất nhiều, đặc biệt trong những lễ hội được coi là “điểm nóng”, như nạn tranh cướp lộc tại đền Sóc (Sóc Sơn), lễ hội chùa Hương; tình trạng chen lấn, “vỡ trận” tại lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ); một số địa phương vẫn buông lỏng quản lý để diễn ra lễ hội chọi trâu dù Bộ VH,TT&DL không cấp phép, điển hình là hội thi trâu huyện Lục Yên (Yên Bái), hội thi chọi trâu ở thôn Lục Mùn (Tuyên Quang)...

Nhìn nhận về những hạn chế của lễ hội, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, Hà Nội có khoảng 1.200 lễ hội, đến nay đã diễn ra được 2/3. Nhìn chung, công tác tổ chức lễ hội tốt hơn năm ngoái, nhưng vẫn có những hạn chế như tình trạng lộn xộn ở đền Sóc, phát lộc tự phát ở chùa Hương gây nên những hình ảnh không đẹp. Theo ông Tô Văn Động, có những hạn chế mang tính truyền thống, không thể giải quyết ngay được, như việc hạ tầng ở các địa phương kém, trong khi nhiều lễ hội không còn ở phạm vi làng xã mà đã trở thành lễ hội cấp quốc gia, thu hút lượng người rất lớn nên địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; ý thức dự lễ hội của người dân còn hạn chế, có những hành xử không phù hợp dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy, hỗn loạn...

Hội đền Sóc năm 2017 đã hạn chế được bạo lực nhưng vẫn diễn ra tình trạng chen cướp hoa tre. Lãnh đạo Sở VH,TT Hà Nội kiến nghị, Bộ và các nhà nghiên cứu văn hóa có thể họp bàn với cộng đồng để bỏ nghi thức cướp hoa tre, thay thế bằng hình thức khác.


Ông Tô Văn Động cho biết, Hà Nội đã thực hiện phân cấp trong thanh, kiểm tra các lễ hội, nhưng thực tế vẫn tồn tại tình trạng nhiều đoàn thanh kiểm tra xuống địa phương chủ yếu là đi lễ và "khen" nhau, chưa bao quát được hết thực trạng. Trước những hạn chế mang tính truyền thống tại một số lễ hội lâu đời của Hà Nội, điển hình là lễ hội đền Sóc có nghi thức cướp hoa tre, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội kiến nghị Bộ VH,TT&DL nghiên cứu và xin ý kiến cộng đồng về việc có cần thiết giữ nghi thức truyền thống này không, vì đã cho phép “cướp” thì đương nhiên có bạo lực xảy ra.

Trong buổi sơ kết lễ hội, đại diện cơ quan quản lý các tỉnh Nam Định, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Phú Thọ… đều đồng tình quan điểm rằng, việc quản lý, tổ chức tốt lễ hội cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ngành. Về vấn đề này, GS.TS Lê Hồng Lý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho biết, để lễ hội xảy ra tình trạng lộn xộn, phản cảm là trách nhiệm chung của nhiều ngành, ngoài ngành văn hóa còn có giao thông, an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, thương mại...

Lãnh đạo Bộ VH,TT&DL khẳng định, trước mắt chỉ duy trì lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn (Hải Phòng), những lễ hội chọi trâu khác tạm thời không tổ chức.


Theo GS.TS Lê Hồng Lý, mỗi lễ hội có tính truyền thống riêng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sâu xa về nguồn gốc của việc lễ hội diễn ra phản cảm, từ đó có tuyên truyền, kêu gọi người dân nơi có lễ hội thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp. Thực tế, mùa lễ hội năm Đinh Dậu 2017 đã khắc phục được nhiều hạn chế, những lễ hội có yếu tố phản cảm như chém lợn, treo đầu trâu… đã được cộng đồng tổ chức bằng hình thức văn minh hơn.


* Cân nhắc việc thương mại hóa lễ hội


Một trong những vấn đề “nóng” được nhiều địa phương đề cập trong buổi sơ kết lễ hội là vấn đề thương mại hóa lễ hội. Hiện nay, báo chí vẫn thường xuyên lên án hiện tượng các lễ hội bị thương mại hóa, điển hình là hiện tượng “chặt chém”, xin tiền du khách, buôn bán những mặt hàng không phù hợp. Về vấn đề này, rất nhiều địa phương cho rằng, với cuộc sống hiện đại, nhu cầu dự lễ hội của người dân ngày càng tăng và trở thành một phần thiết yếu trong đời sống tâm linh của họ nên việc thương mại lễ hội là khó tránh khỏi. Thực trạng này cần phải được nhìn nhận lại để không gây ra những hậu quả xấu nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân, du khách.

Có ý kiến cho rằng, việc người dự hội muốn "thướng" tiền cho nghệ nhân không thể coi là hành động thương mại hóa (hình ảnh, khách dự hội chủ động bỏ tiền vào cơi trầu của liền chị trong hội Lim 2017)


Đại diện tỉnh Bắc Ninh, nơi diễn ra những lễ hội nổi tiếng là hội Lim, hội Ném Thượng... cho biết, việc các nghệ nhân chủ động “ngả nón” xin tiền đáng bị lên án nhưng việc người dự hội muốn “thưóng” (cách gọi của người quan họ về việc du khách thưởng cho người hát) cho các nghệ nhân thì đó lại là hành động văn minh. “Nghệ nhân không thể đi hàng chục cây số đến hát suông cho người dự hội, họ cũng phải có chi phí để trang trải cho những đầu tư bỏ ra, chỉ là cách làm thế nào để nhìn đẹp mắt mà thôi”, đại diện Bắc Ninh cho biết.

Với vấn đề này, đại diện tỉnh Tuyên Quang cho biết, cơ quan quản lý nhà nước phải tính đến yếu tố thương mại của các lễ hội, vì đã tổ chức lễ hội thì phải có bài toán cho người dự hội. Nhiều người đến dự lễ hội mà địa phương không có dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt là không thể được. Hơn nữa, với nhiều quốc gia, tổ chức lễ hội là thêm cơ hội phát triển du lịch và kéo theo nhiều ngành thương mại khác phát triển, trong khi ở nước ta vẫn để phí tài nguyên.

GS.TS Lê Hồng Lý cũng cho biết, việc gắn di sản, lễ hội với du lịch ở ta vẫn còn yếu, chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Trong thời đại kinh tế thị trường, nhu cầu tín ngưỡng ngày một lớn thì không thể hạn chế được đám đông. Việc thương mại trong lễ hội không xấu, chỉ là cách làm, cách quản lý tổ chức chưa đúng mà thôi.

Với những vấn đề, khúc mắc vẫn còn đang dang dở trong mùa lễ hội Xuân Đinh Dậu năm 2017, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL giao nhiệm vụ cho các địa phương cần phải có kế hoạch và hành động cụ thể để những hạn chế tồn tại được nêu không tái diễn trong mùa lễ hội sau. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý các địa phương tiếp tục có những giải pháp lâu dài như tiếp tục tuyên truyên, giáo dục ý thức cho người dân về truyền thống lễ hội ở địa phương; công tác thanh, kiểm tra tiếp tục đẩy mạnh để xử lý nghiêm các vi phạm… Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết, sẽ đề xuất biện pháp xử phạt cụ thể đối với những địa phương quản lý, tổ chức không tốt, để xảy ra những hiện tượng tiêu cực, phản cảm trong lễ hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, tổ chức lễ hội: Hành động cụ thể, không nói suông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.