Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý thương mại điện tử: Chồng chéo và lỏng lẻo

Đặng Loan| 19/12/2012 06:31

(HNM) - Là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) năm 2012, thế nhưng, thông tin từ Sở Công thương TP Hồ Chí Minh lại cho thấy, hoạt động TMĐT trên địa bàn trong hai năm qua lại giảm.


Giảm vì… dân bớt tin!

Ông Hà Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường (Sở Công thương) cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn TP có kết nối internet hiện là 97,3% (doanh nghiệp lớn là 100%, doanh nghiệp vừa và nhỏ là 97%), tăng 5,7% so với 2 năm trước; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet là 82,8% (tăng 7,2% so với 2 năm trước). Tuy nhiên, hoạt động mua bán hàng hóa dịch vụ bằng TMĐT lại giảm 1% so với 2 năm trước, chỉ còn 10%. Lý do chính là người tiêu dùng không tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, không an tâm khi thanh toán trực tuyến và sản phẩm không phong phú, đa dạng. Thời gian gần đây, người tiêu dùng càng ngần ngại khi giao dịch bằng TMĐT sau khi nhiều vụ lùm xùm đã xảy ra. Mới đây nhất là vụ trang web nhommua.com đang khiến nhiều người sở hữu voucher (phiếu sử dụng dịch vụ) của công ty này rất lo lắng.


Những lùm xùm của Công ty Nhóm mua khiến những người đã lỡ mua phiếu sử dụng dịch vụ của công ty này đang rất lo lắng.

Ông Lê Minh Loan, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50) cho biết, những trang web lừa đảo thường núp dưới hình thức TMĐT nhưng bản chất là lừa đảo, lấy tiền của người sau trả cho người trước. Những trang web này thường sử dụng phương thức thanh toán qua ngân hàng và đa phần là tài khoản cá nhân… Trong năm 2012 đã có ít nhất 3 sàn điện tử mua bán trực tuyến bị khởi tố điều tra là Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến MB24, Công ty CP Đầu tư Thương mại dịch vụ Cộng đồng Việt và Công ty CP Đầu tư Tâm Mặt trời. Tuy nhiên, cơ quan quản lý phát hiện rất chậm những sàn vi phạm, nên tổn thất thường là rất lớn. Ví dụ khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì MB24 đã có 52 chi nhánh ở 33 tỉnh, thành phố và đã huy động được số tiền lên tới 650 tỷ đồng; Cộng đồng Việt cũng đã có 18 chi nhánh và văn phòng đại diện và huy động hơn trăm tỷ đồng từ 225.000 mã khách hàng chỉ trong vòng từ tháng 4-2011 đến tháng 8-2012; còn Tâm Mặt trời cũng kịp huy động hơn trăm tỷ đồng của hơn 23.000 mã khách hàng (trong tổng số khoảng 37.000 mã khách hàng).

Ông Hà Ngọc Sơn cho rằng, quản lý hoạt động TMĐT còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc do hầu hết các trang TMĐT đều số hóa giao dịch, vì vậy cơ quan chức năng rất khó xác định người bán là ai, ở đâu, có đủ chức năng bán hàng hay không. Ngay cả tìm ra thông tin cũng chưa dễ xử phạt vì khi bị "sờ gáy" thì những người quản lý các trang web rất dễ xóa dấu vết vi phạm. Mặt khác, nếu phát hiện vi phạm cũng vẫn chưa phạt được vì… chưa có chế tài cụ thể!

Quản lý chồng chéo, rối rắm

Theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (VECITA - Bộ Công thương), các hình thức kinh doanh qua TMĐT hiện đang phát triển mạnh, với nhiều mô hình như mua theo nhóm, chợ điện tử, rao vặt, diễn đàn, mua sắm trên mạng xã hội, sàn bất động sản… Thống kê của VECITA, năm 2011 có khoảng 130 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký sàn giao dịch TMĐT, trong đó Cục đã xác nhận đăng ký cho 35 website. Có thể thấy, con số nằm "ngoài vùng quản lý" là rất lớn.

Ông Lê Minh Loan cũng chỉ ra rằng, việc quản lý trang tin điện tử và cung cấp dịch vụ TMĐT còn có "lỗ hổng" ở những điểm "giao thoa" giữa các bộ. Cụ thể là đăng ký tên miền thì thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông, nhưng quản lý lại thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, còn cấp phép kinh doanh lại do Bộ Công thương. "Lỗ hổng" này đã được chủ nhân những trang web lừa đảo nghiên cứu rất kỹ. Một trong những phương thức là công khai giấy phép đăng ký tên miền để tạo tin tưởng cho người dùng, trong khi thực tế có giấy phép tên miền chưa hẳn đã được cấp phép hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, người dùng thấy trang web đã được cấp phép thì tin tưởng, chứ không thể biết được là đã được cấp phép hoạt động hay chưa, cũng không có phương tiện để xác thực thông tin trong khi môi trường internet đa dạng rất dễ lẫn lộn thật giả.

Theo ông Loan, C50 chỉ phát hiện khi có sai phạm và xử lý hình sự, còn vẫn chưa rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát để ngăn ngừa hậu quả xảy ra. Ông Loan cũng nêu quan điểm Cục TMĐT cần đề xuất ban hành Nghị định xử phạt hành chính các vi phạm của TMĐT. Về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh cho biết, các phương án chấn chỉnh hoạt động TMĐT đã được Bộ Công thương trình Chính phủ và Nghị định bổ sung, sửa đổi quản lý TMĐT có thể được ban hành trong năm 2013 để chấn chỉnh hoạt động này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý thương mại điện tử: Chồng chéo và lỏng lẻo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.