(HNM) - Mấy ngày nay, có hai sự kiện trên báo chí đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận. Một là hình ảnh những cây sưa đỏ ở một con phố của Hà Nội được "mặc giáp sắt". Sự kiện kia là đề xuất của Bộ GTVT cấm uống rượu, bia trong cơ quan, đơn vị trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, kể cả trong liên hoan hội nghị nhằm... "tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông".
Những cây sưa "mặc giáp sắt" là hệ quả sau nạn trộm cắp loài cây quý giá bạc tỷ này xảy ra ở Hà Nội. Dù đã có những vụ án được xét xử, có người đã phải vào tù, nhưng có vẻ chưa đủ làm đám trộm cắp nản lòng, gần đây đang có dấu hiệu tái diễn. Dường như "cái khó bó cái khôn", nên địa phương nọ mới nảy sáng kiến lạ. Hơn hai chục cây sưa xếp hàng với "chiếc váy tôn" nghễu nghện ngang thân ngót nghét hai mét. Trông vừa lạ, vừa buồn cười. Người ta kỳ vọng việc này sẽ làm chùn tay đám trộm cắp. Nhưng người dân thì nghĩ khác. Đến máy ATM vững chãi, được bảo vệ còn bị khoét ruột thì hẳn sưa tặc không ngán gì mấy thứ khung sắt, tôn lá mỏng manh? Đó còn chưa kể đến tính thẩm mỹ, mối liên quan đến ATGT, vệ sinh môi trường, thậm chí còn là kiểm đếm sưa để chào mời "sưa tặc"... Lo bảo vệ cây chưa xong có khi còn lo thêm cả bảo vệ "áo giáp". Và như một hệ quả tất yếu. Chỉ vài ngày sau, có lẽ nhận ra sự bất ổn nên địa phương nọ đã phải cho dỡ bỏ những chiếc giáp sắt cho các gốc sưa.
Còn về chuyện bia rượu. Hẳn đó là thứ độc hại với con người và xã hội. Ai cũng biết vậy. Và làm thế nào để giảm tối đa tác động của nó là điều xã hội quan tâm lúc này. Nhưng đó phải là một cách làm chủ động, chứ không thể là thụ động, là chạy theo, làm cái ngọn mà bỏ phần gốc. Ai đã từng học để thi giấy phép lái xe (mô tô và ô tô) một cách nghiêm túc thì đều biết quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008: Cấm điều khiển mô tô, xe gắn máy khi trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mm/l lít khí thở. Rõ ràng, cái cần thêm (nếu có) sẽ là tăng mức phạt, tăng quản lý, chứ đâu phải chưa có quy định. Phải chăng cái thiếu chính là hiệu quả thực thi quy định chưa cao. Do đó phải xem lại trách nhiệm của cơ quan giám sát, thực thi pháp luật. Không thể chỉ vì gỡ khó cho ngành giao thông mà nhiều ngành khác phải "liên lụy", chạy theo.
Đề xuất một sáng kiến cũng cần đưa ra được cách thức thực hiện sao cho hiệu quả, hợp lòng dân, thay vì sự ngẫu hứng. Thực tế, nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành cũng đã có chỉ thị "cấm cán bộ uống rượu, bia vào giờ nghỉ trưa". Nhưng chính những quy định mang nặng tính chủ quan, áp đặt ấy đã khiến cho quy định không đi vào cuộc sống. Đúng ra phải quy định cấm cán bộ "có hơi men trong giờ làm việc", thì lại "cấm uống vào giờ nghỉ trưa, liên hoan hội họp", tức là thời điểm cơ quan, tổ chức không thể và cũng không có quyền quản lý về mặt dân sự. Như vậy, cầm chắc cơ quan sẽ bị động trong việc quản cán bộ uống rượu, bia. Đó là chưa tính số người không thuộc "quyền quản lý" của cơ quan tổ chức nào lại đang chiếm số đông. Ai sẽ giám sát chuyện uống của họ?
Cách đây không lâu, công luận đã xôn xao, thậm chí tức cười vì đề xuất xe "biển chẵn, biển lẻ" vào thành phố, rồi bộ "tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông" quy định người thấp bé, nhẹ cân hoặc ngực lép không đủ điều kiện lái xe gắn máy; người có bệnh viêm loét thực quản, loét dạ dày, trĩ, bệnh về gan... không được phép lái xe ô tô.
Nhìn vào những ý tưởng này, ta nhận ra một vài triệu chứng của căn bệnh hình như đã thành mạn tính đối với một số nhà quản lý. Đó là bệnh hành động theo suy đoán, ý thích của mình, mà không màng đến người dân và hiệu ứng xã hội. Hớt váng thì váng lại đầy. Những câu chuyện này cho thấy một số cơ quan chức năng đã tỏ rõ sự lúng túng, thậm chí bất lực trước một số vấn đề trong quản lý xã hội. Thay vì những biện pháp chủ động, giải quyết tận gốc vấn đề, họ lại đưa ra biện pháp thụ động, nhiều bất cập. Có lẽ cũng đã đến lúc nên coi đây là một loại bệnh "nghĩ nông cạn, nghĩ ngắn, lập cập" cần sớm được loại bỏ trong tư duy lãnh đạo quản lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.