Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Vẫn khó kiểm soát

Ngọc Quỳnh| 14/06/2017 07:03

(HNM) - Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, thế nhưng việc quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, trình độ sản xuất trong nước chủ yếu ở dạng sang chiết, đóng gói nên khó kiểm soát chất lượng sản phẩm trên thị trường...

Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Quốc Nghị


Quản lý còn lỏng lẻo

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, trên thị trường chỉ có khoảng 2.000 thương phẩm, trong đó 20% là thuốc sinh học, thảo mộc. Phần lớn thuốc bán trên thị trường là nhập khẩu, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật dạng nguyên liệu và thành phẩm, có tới 90% từ thị trường Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật đạt 400 triệu USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả nước có 200 doanh nghiệp và khoảng 90 cơ sở chế biến thuốc, nhưng chủ yếu làm gia công, sang chiết, đóng gói và trên 30.000 đại lý bán thuốc, gây khó khăn cho công tác kiểm soát chất lượng thuốc bán ra thị trường.

Đáng ngại là trên thị trường đang trôi nổi nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, được nông dân sử dụng bừa bãi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nông sản, sức khỏe con người và môi trường. Ông Nguyễn Đức Khoa, Chủ tịch UBND xã Song Phương, huyện Hoài Đức cho biết: Trên địa bàn xã có 10 cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật.

Mới đây, cơ quan chuyên môn huyện Hoài Đức phối hợp với chính quyền xã Song Phương kiểm tra trên địa bàn đã phát hiện một số cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, thuốc không có trong danh mục, không niêm yết giá. Thậm chí một số người bán thuốc nhưng không có chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực trồng trọt hay bảo vệ thực vật. Trong khi công tác quản lý kinh doanh rất khó khăn, bởi xã Song Phương thiếu cán bộ chuyên môn làm nhiệm vụ này.

Thực tế cho thấy, vấn đề quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dường như vượt quá tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Nói về việc này, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến cho biết: 5 tháng qua, Thanh tra Sở kiểm tra 20 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính 16 cơ sở 185 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, thuốc không bảo đảm chất lượng, nhãn mác sai quy định.

Thực tế kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cho thấy, người bán thuốc thiếu chuyên môn nghiệp vụ, chạy theo lợi nhuận mà chưa nghĩ đến hậu quả xấu gây ra khi bán thuốc kém chất lượng. Thành phố đã phân cấp cho chính quyền địa phương quản lý vật tư nông nghiệp, trong đó có thuốc bảo vệ thực vật nhưng nhiều xã, phường, thị trấn bỏ ngỏ việc này nên rất khó kiểm soát được chất lượng thuốc bán ở cửa hàng...

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Trước thực trạng vi phạm diễn biến có chiều hướng phức tạp, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung cho biết: Theo quy định mới của Bộ NN&PTNT, sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, doanh nghiệp không sử dụng trong 5 năm liên tiếp sẽ bị loại ra khỏi danh mục. Năm qua, Bộ NN&PTNT đã loại khỏi danh mục 386 tên thuốc thương phẩm, dự kiến năm 2017 sẽ loại thêm 256 tên thuốc thương phẩm khác.

Để quản lý chặt chất lượng thuốc bán trên thị trường, các địa phương tăng cường kiểm tra và xử phạt theo đúng Luật Bảo vệ và Kiểm định thực vật (hiệu lực từ ngày 1-1-2015). Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ các khâu từ đăng ký, khảo nghiệm đến kiểm tra chất lượng thuốc trước khi nhập khẩu hoặc đưa ra sử dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tuyên truyền nâng cao trách nhiệm cho người kinh doanh, yêu cầu các hộ ký cam kết không bán thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục cho phép được lưu hành tại Việt Nam…

Để quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân và khắc phục ảnh hưởng xấu tới môi trường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết: Đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm, Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Chẳng hạn như kiểm tra, đánh giá doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; cấp mới, cấp lại chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, giấy phép vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật... Ngoài ra, Chi cục đã lắp đặt 1.200 thùng chứa vỏ bao bì ở 18 xã sản xuất rau an toàn để thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Từ thực tế trong công tác quản lý, ông Nguyễn Duy Hồng kiến nghị các bộ, ngành liên quan nên nghiên cứu việc tăng thuế nhập khẩu đối với loại thuốc không khuyến khích sử dụng tại Việt Nam, miễn thuế đối với thuốc sinh học, sử dụng thân thiện với môi trường. Chính quyền địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, ngăn chặn những loại thuốc nhập khẩu không bảo đảm chất lượng. Các cửa hàng cố tình vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Vẫn khó kiểm soát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.