Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý, sử dụng thông tin để bảo vệ quyền, bí mật đời tư của công dân

Đình Hiệp| 10/06/2023 11:07

(HNMO) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sáng 10-6, các đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ về các dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi). Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh việc cần thiết quản lý, sử dụng thông tin để bảo vệ quyền công dân, bí mật đời tư của công dân khi sửa đổi Luật Căn cước công dân.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ sáng 10-6.

Tạo bước đột phá về chuyển đổi

Các đại biểu cơ bản đồng ý với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về sự cần thiết ban hành Luật Căn cước nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực,,,

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ sáng 10-6.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng để việc xây dựng, ban hành Luật Căn cước được chặt chẽ, phát huy hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, sớm hoàn thiện ứng dụng tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy tối đa hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ sáng 10-6.

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, các nội dung trong dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) góp phần quan trọng vào “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. Để thực hiện thành công Chương trình này, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước có ý nghĩa rất quan trọng, cùng với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam (Điều 7), đại biểu nhất trí việc bổ sung đối tượng áp dụng là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Dẫn chứng thực tế nhiều người dân vùng đồng bào Khmer Nam Bộ sinh sống tại đây lâu nhưng chưa có giấy tờ hợp lệ, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam sẽ mở ra hướng giải quyết đối với một bộ phận người gốc Việt Nam có nguyện vọng cần có một loại giấy tờ tùy thân, giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm, con em được đến trường, bảo đảm quyền lợi trong giao dịch dân sự, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ.

Về người được cấp thẻ căn cước (Điều 20), đại biểu Nguyễn Hải Trung đồng ý với phương án cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi nhằm tạo thuận lợi trong việc khám, chữa bệnh, sử dụng phương tiện công cộng, đi học, thay vì phải dùng giấy khai sinh bản giấy nhiều bất tiện, không có đủ thông tin sinh trắc. 

Trao đổi thêm thông tin về việc tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành gắn với căn cước công dân, đại biểu nhấn mạnh dự thảo Luật không chỉ phục vụ hoạt động của ngành Công an, mà còn nhiều ngành khác.

Chú trọng bảo vệ thông tin cá nhân

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết, hiện nay, chúng ta đang triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, việc ban hành dự án Luật này giúp người dân giảm thiểu giấy tờ, thủ tục hành chính khi giải quyết trên môi trường mạng, tăng cường công khai, minh bạch. 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ sáng 10-6.

Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10), đại biểu cho rằng, việc mở rộng, bổ sung thông tin lưu trữ là cần thiết, đồng thời việc tăng cường chia sẻ, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu sẽ phát huy tối đa hiệu quả sử dụng dữ liệu, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và tiệm cận với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu kỹ từng loại thông tin quy định tại các điều này để bảo đảm hiệu quả, có tính khả thi.

Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước (Điều 23), đại biểu nhất trí việc tích hợp một số thông tin về công dân vào thẻ căn cước nhằm góp phần giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và công dân trong các giao dịch hành chính, dân sự, đi lại, cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc tích hợp thông tin phải đi đôi với việc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và quản lý, sử dụng thông tin để bảo vệ quyền công dân, bí mật đời tư của công dân.

Cơ bản nhất trí với các nội dung dự thảo Luật, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm kiến nghị cơ quan soạn thảo bổ sung mục “tên thường dùng” trong thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10). Đại biểu dẫn chứng trường hợp của cá nhân đại biểu, có tên khai sinh là Đặng Minh Châu nhưng tên thường dùng là Thích Bảo Nghiêm. Đại biểu cũng nhất trí cao với mục “Nhóm máu” trong Điều 10, bởi khi người dân đi cấp cứu, khám, chữa bệnh thì thông tin này rất cần và không phải xét nghiệm lại.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ sáng, 10-6.

Liên quan đến thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10), đại biểu Nguyễn Anh Trí góp ý vào việc ghi “Quê quán”. Đại biểu dẫn chứng việc bản thân sinh sống và làm việc hơn 50 năm tại Hà Nội, nhưng mỗi khi cần phải xác minh thủ tục giấy tờ, phải về Quảng Bình.

“Bản thân tôi, có thể xác minh được vì còn nhiều người ở địa phương biết. Nhưng các con, cháu tôi sau này mà về Quảng Bình để xác minh lý lịch thì sẽ không ai biết vì chúng không sinh ra và lớn lên ở đó. Vì thế, cơ quan soạn thảo cần tính đến phương án này để giảm phiền hà về thủ tục cho công dân”, đại biểu kiến nghị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, sử dụng thông tin để bảo vệ quyền, bí mật đời tư của công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.