(HNM) - Quỹ Phòng, chống thiên tai là nguồn lực tài chính quan trọng để hỗ trợ người dân về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, sửa chữa nhà sơ tán phòng tránh thiên tai; hỗ trợ các hoạt động sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm… Ngoài ra, quỹ còn chi hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật; rà soát và lập kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp xã...
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đã tích cực vào cuộc thu quỹ. Tính đến ngày 31-5, Hà Nội đã thu được 202,918 tỷ đồng, nằm trong tốp 5 tỉnh, thành phố có số thu quỹ lớn nhất cả nước. Cùng với Hà Nội, 62 tỉnh, thành phố còn lại trên phạm vi toàn quốc đã thu được 4.705,350 tỷ đồng Quỹ Phòng, chống thiên tai.
Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, vướng mắc nên 63 tỉnh, thành phố hiện nay mới chi 2.788,569 tỷ đồng, tồn quỹ 1.916,691 tỷ đồng; trong đó, thành phố Hà Nội chi được 6,549 tỷ đồng, tồn quỹ 196,369 tỷ đồng. Đặc biệt, các tỉnh: Lai Châu, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bạc Liêu chưa chi nguồn quỹ này.
Liên quan việc trên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Duy Du cho biết, nguyên nhân là do Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1-8-2021 của Chính phủ về việc thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai chưa có các quy định, hướng dẫn chi tiết nội dung, trình tự, các biểu mẫu đối với công tác lập dự toán thu, chi, chế độ báo cáo, thẩm định, thẩm tra, phê duyệt quyết toán quỹ và phương thức quản lý tài chính quỹ tại cấp xã, cấp huyện...
Tương tự Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố, như: Lai Châu, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế... cho rằng, quy định hiện hành chưa thống nhất đồng bộ giữa các văn bản liên quan; chưa quy định các nội dung thẩm định, thẩm tra, phê duyệt quyết toán quỹ...
Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đã tham mưu UBND thành phố đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT quy định, hướng dẫn, thống nhất áp dụng chi tiết về nội dung, trình tự các biểu mẫu đối với công tác tài chính từ giai đoạn lập kế hoạch, dự toán thu, chi đến khi quyết toán năm và cách thức áp dụng với từng cấp (cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh); phương thức quản lý tài chính của quỹ tại cấp xã, cấp huyện (về tổ chức bộ máy kế toán tại cấp xã, cấp huyện; công tác mở sổ sách kế toán để theo dõi các khoản thu, chi tại cấp xã, cấp huyện).
Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT có quy định, hướng dẫn, thống nhất giữa các quy định hiện hành đối với công tác quyết toán quỹ; trong đó, hướng dẫn cụ thể đối với một số nội dung như: Trình tự, chế độ, nội dung báo cáo, thẩm định, thẩm tra, phê duyệt quyết toán quỹ và cách thức áp dụng với cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh; công tác quản lý tài chính, thực hiện quyết toán thu - chi tại cấp huyện, cấp xã trước khi gửi cơ quan quản lý quỹ cấp tỉnh tổng hợp, lập báo cáo quyết toán...
Với tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, các bộ, ngành cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các địa phương quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.