(HNM) - Việt Nam là nước có nền văn minh lúa nước và hiện phần lớn người dân vẫn sinh sống ở nông thôn, dựa vào sản xuất nông nghiệp và trân trọng từng “tấc đất, tấc vàng”.
Sinh ra, lớn lên ở nông thôn, thuở nhỏ, tôi đã chứng kiến nhiều hộ nông dân “hạ ruộng” để lấy nước thuận lợi hơn để phục vụ sản xuất. Hạ ruộng đơn giản là việc hạ thấp độ cao mặt ruộng để nước dễ vào ruộng hơn.
Dù hạ nhiều hay ít, việc đầu tiên của người nông dân cũng là cẩn trọng lấy khoảng 20cm đất lớp mặt để riêng một chỗ, sau đó mới đào, xúc bỏ lớp đất phía dưới. Sau khi đã hoàn thành, họ lại cẩn trọng đem phần lớp đất mặt trải đều lên mặt ruộng. Khi đó, tôi chỉ được cho biết, lớp đất mặt đó tốt, gieo cấy hiệu quả.
Vài năm gần đây, được đọc, nghe một số chuyên gia giải thích và biết tới khái niệm “cấu tượng” - một thuật ngữ khoa học về đất. Theo đó, trải qua lịch sử rất dài, các vi sinh vật tích lũy được trong đất loại hữu cơ gọi là chất mùn với các vi chất, điều kiện thuận lợi cho trồng lúa, sản xuất nông nghiệp và được nông dân gọi là “bờ xôi, ruộng mật”. Điều đó giúp tôi hiểu rõ hơn vì sao nông dân giữ lại lớp đất mặt khi “hạ ruộng”, đơn giản là họ đang giữ từng “nắm xôi, giọt mật” thấm đẫm mồ hôi, công sức vun đắp của lịch sử, tổ tiên.
Theo Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 9-4-2016 của Quốc hội về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia, diện tích đất trồng lúa giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục giảm.
Nếu như năm 2015 là hơn 4,030 triệu héc ta thì đến năm 2016 còn hơn 3,970 triệu héc ta, sang năm 2017 giảm còn hơn 3,918 triệu héc ta, tới năm 2018 còn hơn 3,866 triệu héc ta, sang năm 2019 còn hơn 3,809 triệu héc ta và tới năm 2020 dự kiến là hơn 3,760 triệu héc ta.
Giảm diện tích đất trồng lúa cũng là bình thường để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển đất nước. Nhưng Nghị quyết số 134/2016/QH13 cũng nhấn mạnh phải: “Xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt; quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa được.
Điều tiết phân bổ nguồn lực bảo đảm lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến, tiêu thụ lúa hàng hóa tại các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất”. Điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm và có tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội hài hòa hợp lý, bền vững, không đánh đổi tất cả vì phát triển.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khó lường, càng thấy quan điểm, quyết sách trên là đúng đắn. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với điều kiện cụ thể là vô cùng quan trọng để bảo đảm đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những nơi bị xâm nhập mặn, sa mạc hóa…
Tuy nhiên, nếu phát triển tùy tiện, thiếu cơ sở khoa học hoàn toàn có thể gây hệ lụy kể cả chuyển sang mục đích phi nông nghiệp hay vẫn phục vụ mục đích nông nghiệp. Không phải vô cớ, Nghị quyết số 134/2016/QH13 nhấn mạnh yêu cầu “quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa được”. Quan điểm, chiến lược đã có, vấn đề đặt ra là quản lý, sử dụng đất trồng lúa hiệu quả.
Ngày 11-7-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa với những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn để bảo vệ đất trồng lúa, có thể trồng lại lúa khi cần thiết.
Quy định này không những bảo vệ được diện tích đất “bờ xôi, ruộng mật” mà còn góp phần ngăn chặn, hạn chế những mâu thuẫn, xung đột có thể xảy ra (và đã từng xảy ra ở một số địa phương) giữa các hộ dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong cùng khu vực làm ảnh hưởng tới sản xuất của nhau.
Có nhiều cách để quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích đất trồng lúa. Đó là quy hoạch bố trí phát triển các khu công nghiệp, nhà máy, đô thị… ở khu vực phù hợp thay vì những cánh đồng “bờ xôi, ruộng mật” nhưng vẫn đủ các điều kiện đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt. Đó là chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang mục đích sản xuất nông nghiệp khác hiệu quả hơn, nhưng khi cần vẫn có thể trồng lúa trở lại. Đó cũng có thể là việc giữ lại lớp đất “bờ xôi, ruộng mật” chuyển đi phục vụ mục đích canh tác ở nơi khác (như nông dân xưa đã làm) thay vì đào bới, đổ bỏ, “trộn” với bê tông, phế thải để xây dựng các công trình phi nông nghiệp,…
Dù cách nào thì cũng chính là góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả đất trồng lúa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước có nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm lịch sử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.