Nông nghiệp - Nông thôn

Hà Nội phê duyệt 36 loại cây trồng được chuyển đổi trên đất trồng lúa

Thúy Nga 04/02/2025 - 15:43

UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt danh mục loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa còn lại trên địa bàn thành phố.

z2483038919038_01034eadade887124be83b776c10d685.jpg
Thành phố Hà Nội cho phép cây cam được chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Ảnh: Thúy Nga

Theo đó, loại cây ăn quả (15 cây) lâu năm được chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa còn lại trên địa bàn thành phố gồm: Cây ăn quả có múi (bưởi, cam, chanh, quýt, quất, phật thủ...), cây ổi, táo, thanh long, mít, hồng xiêm, nhãn, chuối, xoài, vải, na, nho, đu đủ, vú sữa, bơ.

Loại cây dược liệu (3 cây) lâu năm được chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa còn lại gồm: Hoa hòe, đinh lăng, hoa nhài.

Loại cây lấy gỗ, cây bóng mát và cây cảnh (18 cây) lâu năm được chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa còn lại gồm: Hoa đào, hoa hồng, mộc hương, hải đường, tường vi, nguyệt quế, ngâu, mẫu đơn, cây tùng, hoa giấy, hoa ban, bàng đài loan, phượng vĩ, lộc vừng, cây chuông vàng, cây osaka, mai tứ quý, cây phát lộc.

UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâu năm trên đất trồng lúa còn lại bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Hằng năm rà soát, tham mưu Chủ tịch UBND thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung danh mục các loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa còn lại phù hợp với tình hình thực tế.

UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa theo đúng quy định. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND xã, phường, thị trấn, căn cứ danh mục loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi trên đất trồng lúa còn lại được phê duyệt tại quyết định này, lựa chọn loại cây trồng phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển trồng trọt và phù hợp với tình hình thực tế sản xuất của địa phương để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, đúng quy định.

Đồng thời tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa thuộc địa bàn quản lý, đảm bảo sử dụng hiệu quả đất trồng lúa và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phê duyệt 36 loại cây trồng được chuyển đổi trên đất trồng lúa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.