Nông nghiệp

Gỡ khó trong tích tụ đất nông nghiệp

Phí Huyền - Bạch Thanh 03/06/2024 - 06:18

Tốc độ đô thị hóa và dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị cùng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, giá trị thấp... đang khiến đất ruộng bị bỏ hoang ở nhiều địa phương; trong khi đó, cá nhân, doanh nghiệp muốn tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn vẫn gặp khó khăn.

Cùng với khắc phục tình trạng này, Luật Đất đai năm 2024 sẽ mở ra hướng đi mới trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp bền vững và hiệu quả hơn.

viec-tich-tu-ruong-dat-se-g.jpg
Việc tích tụ ruộng đất sẽ giúp các địa phương hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Trong ảnh: Đoàn khảo sát thực trạng ruộng đất tại thôn Đồng Chằm, xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Thanh Bạch

Khó tích tụ ruộng đất

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, Hà Nội có hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang với lý do khác nhau, nhưng việc tích tụ ruộng đất vẫn rất khó chủ yếu do vấn đề pháp lý, chi phí cao, tâm lý của người dân và cơ sở hạ tầng yếu kém… Bà Nguyễn Thị Bền ở xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) nói: "Nếu không cho mượn, thuê lại ruộng để sản xuất thì nhiều diện tích ở xã cũng như địa bàn lân cận bị bỏ hoang do nạn chuột phá hại lúa... Tuy vậy, việc tích tụ đất nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội vẫn khá là khó khăn".

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội Đỗ Thị Phương Lan cho hay: Công ty cần xây dựng vùng lúa chất lượng cao, quy mô 20-100ha, nếu thực hiện liên kết mỗi vùng sản xuất liên quan tới nhiều hộ dân thì với quy định hiện hành rất khó hợp tác; còn nhận chuyển nhượng thì giá đất nông nghiệp cao...

Không chỉ giá đất nông nghiệp cao, các quy định hiện hành về chuyển nhượng, thuê và tích tụ đất nông nghiệp còn nhiều điểm chưa rõ ràng, chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân muốn tích tụ đất; thủ tục hành chính rườm rà, quy trình xin cấp phép, chuyển nhượng đất đai phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí...

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) Trần Văn Huy chia sẻ, nhiều nông dân lo ngại mất đất sản xuất, ảnh hưởng sinh kế lâu dài, do đó không muốn chuyển nhượng đất đai; một số nông dân thiếu niềm tin vào cam kết của doanh nghiệp và chính quyền về bảo vệ quyền lợi khi chuyển nhượng đất.

Ông Phan Nhân Lợi - hội viên Chi hội Nông dân thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) là hộ đứng ra tích tụ ruộng đất của nhiều hộ bỏ ruộng để sản xuất, chia sẻ: Cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, tưới tiêu... chưa được đầu tư đầy đủ cũng là những yếu tố khó thu hút đầu tư sản xuất quy mô lớn.

Tạo động lực cho tích tụ ruộng đất

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trần Minh Cường, chúng ta nên thay đổi góc nhìn thay vì có chính sách ngăn chặn nông dân bỏ ruộng hoang thì tập trung vào việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất để xây dựng vùng hàng hóa quy mô lớn... Luật Đất đai năm 2024 chuẩn bị có hiệu lực thi hành đã gỡ vướng cho nhiều nội dung pháp lý liên quan đến tích tụ đất nông nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Nhiều năm qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã muốn thực hiện cánh đồng lớn phải liên kết sản xuất với nhiều nông hộ nhỏ lẻ. Luật Đất đai năm 2024 chuẩn bị có hiệu lực có nhiều điểm mới, phù hợp thực tiễn quản lý và sử dụng đất, sẽ có tác động tích cực đến lĩnh vực nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững… Hành lang pháp lý đã rõ, quan trọng là tùy thuộc đặc thù từng địa phương để lựa chọn hình thức tích tụ đất nông nghiệp phù hợp, trong đó, các cấp chính quyền, đoàn thể, hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân... cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa.

Cũng liên quan đến Luật Đất đai năm 2024, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định kỳ vọng các văn bản hướng dẫn thi hành luật này cần bám sát thực tế, linh hoạt, dễ thực hiện...; trong đó đặc biệt là vấn đề tích tụ ruộng đất đang được rất nhiều quan tâm.

Đề xuất giải pháp tích tụ ruộng đất bảo đảm hiệu quả ở Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng: Nhà nước cần phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; khuyến khích áp dụng công nghệ hiện đại trong canh tác, tưới tiêu và quản lý nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là xây dựng chuỗi giá trị, tạo mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội Đỗ Thị Phương Lan, để phát huy tối đa hiệu quả của Luật Đất đai năm 2024 trong xử lý vấn đề tích tụ ruộng đất, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình cấp phép, chuyển nhượng và tích tụ đất đai; cụ thể hóa quy định về chuyển nhượng, thuê, tích tụ ruộng đất, tránh chồng chéo và không rõ ràng, giúp các bên liên quan dễ dàng thực hiện. Bên cạnh đó, cần giảm thuế cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn; cung cấp gói vay ưu đãi, lãi suất thấp từ ngân hàng, tổ chức tài chính để hỗ trợ các dự án nông nghiệp.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) Đặng Minh Đức cho rằng, cần bảo đảm quyền lợi cho nông dân khi chuyển nhượng đất đai; tổ chức các chương trình tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc tích tụ đất đai và phát triển nông nghiệp quy mô lớn; xây dựng niềm tin vào cam kết của doanh nghiệp và chính quyền...

Kiến nghị thêm giải pháp, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa nêu: Để tích tụ ruộng đất thành công, cần thiết lập cơ chế giám sát minh bạch, tránh tình trạng tiêu cực trong quá trình chuyển nhượng, tích tụ đất đai; hỗ trợ thành lập, phát triển các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, minh bạch, có khả năng kết nối nông dân với doanh nghiệp. Đặc biệt, mỗi địa phương nên xây dựng các mô hình điểm về dân vận trong tích tụ ruộng đất hiệu quả, làm cơ sở để đánh giá, nhân rộng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó trong tích tụ đất nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.