Bạn đọc

Quản lý quỹ đất công, đất đã GPMB nhưng chưa triển khai dự án: Không để lãng phí nguồn lực

Thúy - Hằng 15/07/2023 07:19

Quỹ đất công, đất đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai dự án trên địa bàn Hà Nội còn khá nhiều, nhưng cách quản lý mỗi nơi một khác, cho thấy nhiều bất cập giữa quy định của pháp luật với thực tiễn. Làm cách nào để quỹ đất này không bị lãng phí, phát huy được hiệu quả mà vẫn sử dụng đúng quy định là “bài toán” cần sớm có câu trả lời...

mot-khu-dat-cong-chua-su-du.jpg
Một khu đất công chưa sử dụng tại phường Khương Đình được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân quản lý, xây dựng sân thể thao nhằm hạn chế tái lấn chiếm.

"Đất vàng" bị sử dụng sai mục đích

Quận Cầu Giấy hiện có rất nhiều ô đất dự án chưa triển khai, dù ở các trục đường lớn nhưng vẫn được quây rào tôn. Ở vị trí “vàng”, nhưng đất cũng chỉ để “cỏ mọc”, lãng phí lớn nguồn tài nguyên, là nơi đổ trộm rác thải, hay chỗ cho đối tượng tệ nạn xã hội tụ tập. Cũng trên địa bàn Cầu Giấy, không ít khu đất đã giải phóng mặt bằng, chưa triển khai dự án lại “bung ra” hàng loạt vi phạm, như bãi xe trông giữ xe không phép, ga ra ô tô. Đơn cử, tại các lô đất: A5/01, A5/02, A5/03, Khu đô thị Nam Trung Yên thuộc phường Yên Hòa.

Một ví dụ điển hình khác là dự án dự kiến xây dựng công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông. Dự án được UBND thành phố chấp thuận phương án sử dụng tạm thời (năm 2015), nhưng do buông lỏng quản lý, đất dự án bị “xẻ thịt”, xây dựng nhà xưởng trái phép, dẫn đến vụ cháy kinh hoàng ngày 20-10-2022, làm một người chết và thiệt hại nhiều tài sản...

Hay như khu đất công vườn quả Phùng Khoang, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), trước đây cũng từng bị khai thác, sử dụng trái quy định, dẫn đến việc UBND phường đã phải cưỡng chế gần 100 công trình vi phạm. “Khi diện tích này được giải phóng hoàn toàn, phường sẽ rào tôn lại để quản lý, tránh lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích”, công chức Địa chính - Xây dựng phường Trung Văn Nguyễn Hữu Thăng cho biết.

Cần một cơ chế quản lý thống nhất

Trong khi nhiều địa phương quây rào tôn kín hay bị một số cá nhân, tổ chức sử dụng sai mục đích đất công, đất dự án chưa sử dụng thì quận Thanh Xuân đã áp dụng mô hình đồng nhất trong quản lý, bước đầu phát huy hiệu quả. Hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân được giao quản lý 19 ô đất công. Trong đó, 12 ô đang được sử dụng làm bãi trông giữ xe ô tô, xe máy, sân thể thao... Tại những điểm này không được phép xây công trình; khi làm hạ tầng phải đồng bộ với hạ tầng khu vực, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và an ninh trật tự khu vực.

Nói về mô hình quản lý đất công, đất dự án chưa sử dụng trên địa bàn quận Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) Phạm Tần Anh cho biết: Phường có 3 khu đất công đã giải phóng mặt bằng do Trung tâm Phát triển quỹ đất quận quản lý. Trước kia, diện tích này không có người trông nom, bảo vệ nên bị lấn chiếm, đổ rác thải và thường là nơi tụ tập của các đối tượng tệ nạn xã hội... Từ thực tế đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận đã cho làm sân bóng mi ni, vừa đáp ứng được nhu cầu thể dục, thể thao của nhân dân, vừa tạo cảnh quan sạch đẹp cho khu vực. Đồng thời, ngăn chặn hiệu quả việc đổ trộm rác thải, lấn chiếm đất công.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân Đặng Hoàng Linh thông tin, theo Quyết định số 3440/QĐ-UBND, ngày 5-6-2017, của UBND thành phố, trung tâm có nhiệm vụ “lập phương án sử dụng, khai thác quỹ đất được giao quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất”. Mặt khác, năm 2010 và 2013, thành phố cũng có văn bản cho phép UBND quận Thanh Xuân được tạm sử dụng một số diện tích đất công, đất chưa sử dụng, đất chờ thực hiện dự án vào một số mục đích nhất định...

“Từ những căn cứ đó, để giải quyết nhu cầu cấp bách của nhân dân, trung tâm đã khảo sát và cho triển khai thành điểm trông giữ phương tiện, sân thể thao trên tinh thần công khai, minh bạch, 100% nguồn thu nộp vào ngân sách nhà nước, đặc biệt không xây dựng công trình trên đất”, ông Đặng Hoàng Linh chia sẻ.

Tham khảo thêm thực tế quản lý, sử dụng quỹ đất này, phóng viên Báo Hànộimới đã đặt lịch làm việc với các quận, huyện: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Trì..., nhưng chưa được hồi âm. Để tìm phương án quản lý chung trên địa bàn toàn thành phố, phóng viên đã đặt lịch làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội từ cuối tháng 5-2023, nhưng đến nay cũng chưa nhận được phúc đáp, dù phóng viên đã nhiều lần liên hệ?

Việc sử dụng đất công, đất dự án chưa sử dụng... vào một mục đích tạm thời nào đó là chưa đúng quy định hiện hành, song xét về tính hiệu quả thì cách làm của quận Thanh Xuân đang phù hợp thực tế. Do đó, để quản lý hiệu quả quỹ đất này, đáp ứng được nhu cầu cấp bách trong cuộc sống, không để nguồn lực này bị lãng phí, thay vì để “mỗi địa phương quản lý một kiểu”, thành phố cần nghiên cứu để đưa ra mô hình quản lý thống nhất, minh bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý quỹ đất công, đất đã GPMB nhưng chưa triển khai dự án: Không để lãng phí nguồn lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.