(HNM) - Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2006-2010 mang tên
Kết quả nghiên cứu đã góp phần xây dựng nhiều định hướng quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước trong tương lai.
Những kết quả quan trọng
Xã hội đang phát triển theo xu hướng hội nhập và biến đổi mạnh mẽ. Ảnh: Nguyệt Ánh
Chương trình KX.02/06-10 hướng tới các mục tiêu: xây dựng cơ sở lý luận về phát triển xã hội (PTXH) và quản lý phát triển xã hội (QLPTXH) ở nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; đánh giá thực trạng PTXH và QLPTXH ở Việt Nam qua hơn 20 năm đổi mới, dự báo sự phát triển xã hội nước ta đến năm 2020 và cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, đề xuất giải pháp và khung chính sách QLPTXH Việt Nam đến năm 2020. Đây là chương trình đầu tiên nghiên cứu tương đối toàn diện về QLPTXH trong điều kiện đất nước ta trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế với nhiều vấn đề xã hội mới, ngổn ngang và phức tạp. Vì thế, nó không chỉ mang tính cấp thiết về lý luận mà còn đáp ứng đòi hỏi bức xúc của thực tiễn.
Trong 4 năm, các nhà khoa học đã hoàn thành 23 trong số 24 nhiệm vụ được giao. Kết quả nghiên cứu đã gợi mở nhiều vấn đề có ý nghĩa, đóng góp một khối lượng kiến thức phong phú bổ sung cho lý luận khoa học về PTXH và QLXH ở nước ta. Những điều rút ra từ quá trình nghiên cứu lý luận, thực tiễn và PTXH, QLXH của các nhà khoa học tham gia Chương trình đã góp một phần không nhỏ vào việc xây dựng và hoàn thiện những nghị quyết quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 31 cuốn sách đã được xuất bản, 220 bài báo khoa học đã được công bố; chưa kể những sản phẩm trung gian là hơn 1.500 báo cáo chuyên đề, các dữ liệu thông tin qua khảo sát điều tra ở các đô thị, các vùng miền... là "tài nguyên" quý giá cho những nghiên cứu tiếp theo. Chương trình còn là "trường học" về lĩnh vực QLXH cho hàng trăm nhà khoa học, là nơi đào tạo 17 tiến sĩ, 59 thạc sĩ chuyên ngành.
GS, TS Lê Hữu Nghĩa, Chủ nhiệm chương trình cho biết, KX02/06-10 đã đạt được những kết quả nghiên cứu về QLPTXH trên một số lĩnh vực và một số vùng miền, tiêu biểu như xây dựng chính sách an sinh xã hội và đề xuất mô hình tổng thể về an sinh xã hội ở nước ta trong 10 năm tới; dự báo sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn và những giải pháp khả thi để giải quyết việc làm ở nông thôn trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, đô thị hóa nông thôn; nghiên cứu và đề xuất những quan điểm, giải pháp chăm lo xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhân tài; đề xuất quan điểm và chủ trương, giải pháp chính sách để giải quyết các vấn đề môi trường sinh thái, dịch vụ xã hội… Một số định hướng, công cụ chủ yếu để thực hiện QLPTXH cũng đã được đề xuất nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm việc làm cho mọi người, giảm đói nghèo, giảm phân hóa giàu nghèo.
Và bài học về làm khoa học
Quá trình triển khai Chương trình KX02/06-10 cũng đã đem lại cho các nhà khoa học những bài học về quản lý, triển khai nghiên cứu khoa học theo mô hình một chương trình trọng điểm cấp Nhà nước. Theo GS, TS Lê Hữu Nghĩa, mô hình này là phù hợp, vì có thể tập hợp các lực lượng nghiên cứu theo từng lĩnh vực để đi sâu nghiên cứu theo chuyên ngành. Tuy nhiên, cách quản lý và điều hành hoạt động của một chương trình cũng đòi hỏi cả sự đổi mới về cơ chế chung lẫn sự năng động của Ban Chủ nhiệm chương trình. Vẫn là những vướng mắc chung đối với người làm khoa học hiện nay nhưng với một chương trình trọng điểm cấp Nhà nước thì việc được giao quyền tự chủ không chỉ về nội dung và chất lượng khoa học mà cả về tài chính trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Cơ chế tài chính như hiện nay không kích thích được các tập thể và cá nhân nhà khoa học; kèm theo đó là chế độ báo cáo, thủ tục hành chính rườm rà mang nặng tính hình thức, tốn thời gian... thực sự làm nản lòng những người nghiên cứu khoa học xã hội.
Đặc biệt, về cơ chế xác định nhiệm vụ nghiên cứu, Ban chủ nhiệm KX02/06-10 cho rằng, không nhất thiết phải xác định nhiệm vụ nghiên cứu của chương trình theo kế hoạch 5 năm như kế hoạch ngân sách và càng không nên giao nhiệm vụ nghiên cứu hằng năm như thời gian qua, nhưng cần xác định hệ thống nhiệm vụ nghiên cứu ổn định ngay từ đầu kế hoạch 5 năm và đến năm thứ 2 thì có thể bổ sung một vài đề tài phù hợp với yêu cầu mới đặt ra, bảo đảm thời gian nghiên cứu là 36 tháng cho mỗi đề tài. Bên cạnh đó, cần thay việc tuyển chọn chủ nhiệm đề tài qua hồ sơ bằng việc đối thoại trực tiếp, chủ nhiệm đề tài bảo vệ đề tài trước Hội đồng khoa học đánh giá đề cương nghiên cứu của đề tài. Dân chủ, công khai và có trách nhiệm đối với sản phẩm nghiên cứu, các nhà khoa học tham gia chương trình KX02/06-10 mong muốn có cơ chế tiếp thu ý kiến phản hồi từ các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, ứng dụng sản phẩm nghiên cứu khoa học xã hội để các tác giả biết được hiệu quả nghiên cứu của mình và khi cần có thể điều chỉnh sự nghiên cứu cho phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.