(HNM) - Danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quá phức tạp, trình độ hiểu biết của người dân về thuốc thấp, kèm theo những bất cập xung quanh việc kiểm soát các loại thuốc BVTV đang lưu hành trên thị trường là những lo ngại được các ĐBQH tập trung thảo luận tại hội trường sáng 29-10.
Theo ý kiến của các ĐBQH, với danh sách 1.614 loại thuốc sử dụng trong nông nghiệp, chưa kể thuốc trừ mối, bảo quản nông sản, khử trùng, được đóng gói dưới 3.866 tên thương phẩm, nếu không siết chặt công tác quản lý, việc nhập khẩu và sử dụng tràn lan thuốc BVTV sẽ xảy ra, gây tác hại khó lường tới môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân.
Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây tác hại tới môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Ảnh: Trung Kiên |
Lạm dụng tràn lan
Rau, củ, quả và nhiều loại nông sản nhiễm chất độc nguy hại tới sức khỏe, sử dụng thuốc BVTV tràn lan, gây tác động tiêu cực tới môi trường và sức khỏe của người dân là những thông tin nóng được đông đảo người dân quan tâm thời gian qua. Tại phiên thảo luận hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, nhiều ĐBQH đã bày tỏ những băn khoăn, lo lắng xung quanh công tác quản lý, kiểm soát, sử dụng thuốc BVTV hiện nay. Theo ĐB Lê Đắc Lâm (Đoàn Bình Thuận), thuốc BVTV là hàng hóa kinh doanh có điều kiện. Hằng năm, Bộ NN&PTNT ban hành danh mục thuốc được phép sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam. Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều cố gắng trong công tác sản xuất, quản lý và sử dụng thuốc BVTV, song vẫn tồn tại quá nhiều bất cập. Đơn cử, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng hằng năm đều tăng. Năm 2013, danh mục thuốc sử dụng trong nông nghiệp, chưa kể thuốc trừ mối, thuốc bảo quản nông sản, thuốc khử trùng có đến 1.614 hoạt chất, 3.866 tên thương phẩm (theo Thông tư 21 ngày 17-4-2013). Với số lượng hoạt chất như trên, người nông dân rất rối, không biết sử dụng thuốc gì hiệu quả với từng loại sâu bệnh nếu không được tham gia tập huấn, hội thảo trong khi kinh phí nhà nước giao cho việc này không được bảo đảm. Cùng với đó, nghị định xử lý hành chính trong lĩnh vực BVTV lại chậm được sửa đổi nên chưa đủ sức răn đe sai phạm.
ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Đoàn Thái Bình) nêu ý kiến, cần quy định rõ trong luật: Chủ cơ sở bán buôn thuốc BVTV phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; người trực tiếp bán thuốc phải có chứng chỉ bồi dưỡng về chuyên môn. Bởi hiện nay, nước ta có tới 28.593 đại lý, cửa hàng và hàng chục nghìn cơ sở bán lẻ thuốc BVTV. Nếu chỉ có chứng chỉ bồi dưỡng sẽ không bảo đảm được yêu cầu của nhiệm vụ. Để dẫn chứng cho tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, ĐB đã nêu một số liệu đáng chú ý. Theo một nghiên cứu mới đây, trình độ hiểu biết của người nông dân về thuốc BVTV hiện rất thấp nên việc lạm dụng thuốc ở mức cao, sử dụng không đúng chiếm tới 70,8%; tự pha chế hỗn hợp hai hay nhiều loại thuốc BVTV với nhau lên tới 87,9%.
Cùng quan điểm này, ĐB Lê Đắc Lâm (Đoàn Bình Thuận) cho biết, tại nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng mở tràn lan các cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV. Tình trạng vi phạm nhãn mác liên tục tái diễn. Vì vậy, cần bổ sung quy định về việc xử lý đại lý thuốc BVTV không đạt yêu cầu, công ty sản xuất thuốc quảng cáo sai sự thật nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng bừa bãi loại thuốc này.
Siết chặt quản lý để giảm thiểu tác hại
Để siết chặt công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV, các ĐB đã nêu nhiều ý kiến nhằm hạn chế những bất cập hiện nay. Theo ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đoàn Đắk Nông), vấn đề kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trong thực phẩm thực vật và sản phẩm thực vật hiện chưa tốt có nguyên nhân chính là người sử dụng thuốc không đúng liều lượng bởi quy định về vấn đề này trong luật vẫn còn mờ nhạt, không thuyết phục. Vì vậy, ĐB Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) đề nghị bổ sung hành vi sử dụng thuốc BVTV vào phạm vi điều chỉnh của luật.
ĐB Lê Đắc Lâm (Đoàn Bình Thuận) cũng nêu ý kiến, hiện nay, cơ quan chuyên ngành bảo vệ kiểm dịch thực vật tại trung ương là Cục BVTV, cấp tỉnh là chi cục BVTV, cấp huyện là trạm BVTV. Đây là công việc mang tính chuyên môn cao, đòi hỏi nhân lực phải có trình độ, do đó trạm trưởng BVTV cấp huyện nhất thiết phải là công chức, có trình độ phù hợp với công việc được giao. Nếu trạm trưởng BVTV chỉ là viên chức như hiện nay, sẽ không đủ trình độ chuyên môn để tham gia thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra các đại lý, cửa hàng thuốc BVTV, kiểm tra về nguồn gốc dư lượng thuốc trên thực vật…
Dưới một góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Hữu Hùng (Đoàn Tiền Giang) cũng đề nghị để nâng cao trách nhiệm của các nhà sản xuất, buôn bán thuốc BVTV trong việc hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm quy định khuyến khích các cơ sở này đóng góp kinh phí cho việc xây dựng và vận hành hệ thống thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng nhằm giảm bớt gánh nặng về ngân sách nhà nước. ĐB Nguyễn Hoài Phương (Đoàn Tây Ninh) cũng nêu ý kiến, thực vật gồm có cây và sản phẩm từ cây là một trong những đối tượng lưu thông trên biên giới qua các cửa khẩu, trong đó Bộ Quốc phòng đang quản lý 22/31 cửa khẩu quốc tế, 18 cửa khẩu chính, 89 cửa khẩu phụ, 186 bến cảng và rất nhiều đường mòn, lối mở trên biên giới. Vì vậy, cần xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, không gộp chung vào một điểm như trong dự thảo luật. Bên cạnh đó cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp của hai đơn vị này với Bộ NN&PTNT nhằm siết chặt quản lý công tác kiểm dịch và BVTV nhằm giảm thiểu những tác hại khôn lường đến an ninh kinh tế và sức khỏe của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.