Văn hóa

Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống:Tăng cường công tác quản lý

Dã Liên - Bảo Khánh thực hiện 17/02/2024 10:01

Lễ hội là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, đặc sắc của Hà Nội. Đây được coi là một trong những nguồn lực để phát triển văn hóa, du lịch và kinh tế, đồng thời định vị vị thế của mình trong quá trình hội nhập.

Nhưng, muốn khai thác các giá trị của lễ hội gắn với phát triển du lịch, trước tiên cần làm tốt công tác quản lý, để lễ hội thực sự là một nguồn lực văn hóa. Dưới đây là một số ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu trao đổi với báo Hànộimới Cuối tuần.

le-hoi-2.jpg
Màn rước kiệu trong Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh). Ảnh: Linh Tâm
pv-3.jpg

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh:

Ban tổ chức lễ hội cần chủ động làm gương

Hà Nội là địa bàn có nhiều lễ hội nhất so với cả nước, có những lễ hội lớn, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và góp phần tích cực vào phát triển công nghiệp văn hóa. Để có một mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn an toàn, văn minh, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề nghị các địa phương chuẩn bị tốt các kế hoạch, những lễ hội lớn phải có kế hoạch, kịch bản chi tiết. Trong xây dựng môi trường văn hóa lễ hội, công tác tuyên truyền, vận động hết sức quan trọng. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các địa phương chủ động công tác thông tin để tuyên truyền cái hay, cái đẹp và ý nghĩa của các tập tục trong lễ hội để cộng đồng hiểu đúng về giá trị lễ hội, làm sao để người dân dự hội thấy phấn khởi, cảm nhận được nét đẹp của văn hóa dân tộc. Chúng tôi đã yêu cầu trong việc tổ chức lễ hội, nhất là phần nghi lễ phải đúng với truyền thống, gìn giữ bản sắc văn hóa của từng địa phương. Bất kể những điều chỉnh, thay đổi trong công tác lễ hội đều phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền nhằm tránh những sai sót, lệch lạc trong tổ chức lễ hội.

Để người dân có ý thức xây dựng môi trường lễ hội văn minh, tôi cho rằng, ban tổ chức lễ hội cần chủ động làm gương, từ những người đóng vai trò chủ chốt cho đến những người tham gia công tác phục vụ. Thí dụ, có thể mặc đồng phục trang phục truyền thống tạo ra “bộ nhận diện”, nhất là những di tích, lễ hội lớn. Ngoài ra cũng cần tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Khi đi lễ hội mà thấy từng người trong ban tổ chức giao tiếp, ứng xử lịch thiệp thì người đi lễ cũng cảm thấy mình cần thực hiện tốt cung cách ứng xử, qua đó góp phần xây dựng môi trường lễ hội ngày một lành mạnh.

pv-2.jpg

PGS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam:

Mở ra một cuộc cách mạng trong tư duy dạy học lịch sử

Sau dịch bệnh Covid-19, việc phục hưng lễ hội truyền thống ở Hà Nội đã diễn ra mạnh mẽ ở một tầm cao mới. Điều này có thể nhìn nhận ở nhiều khía cạnh. Chúng ta đã có kinh nghiệm với việc chống dịch và cùng tồn tại với dịch bệnh, coi nó như một loại cúm thông thường trong cuộc sống. Sau nhiều năm dồn nén không có các hoạt động lễ hội nói riêng, văn hóa nói chung nên từ năm 2023 đến nay, các hoạt động lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước được phục hồi một cách mạnh mẽ. Mặt khác, nhu cầu tâm linh là một đòi hỏi luôn thường trực trong tâm thức của mỗi con người cần được giải tỏa. Hơn nữa, việc ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hằng năm được đẩy mạnh từ phía các cơ quan quản lý nhà nước như một động lực thúc đẩy sự phục hưng của lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội.

Có thể thấy, văn hóa không còn chỉ là một món ăn tinh thần thuần túy mà còn là một nguồn lực để phát triển kinh tế ngày càng mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Văn hóa không chỉ là tiêu tiền mà còn góp phần làm ra tiền, vì sự phát triển của đất nước bên cạnh là động lực của sự phát triển, là “soi đường cho quốc dân đi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói. Vai trò nuôi dưỡng phần hồn của văn hóa nói chung, lễ hội nói riêng vẫn là nhiệm vụ chính, song trong thời buổi kinh tế phát triển thì những giá trị của nó thực sự là nguồn lực tạo ra vật chất cho xã hội hôm nay. Thực tế, du lịch văn hóa thời gian qua đã chứng minh. Với số lượng khách du lịch đông đảo và càng ngày càng đông bởi nhu cầu tâm lý, giải trí của con người trong xã hội hiện đại ngày càng cao thì sự phục hưng các lễ hội và những hoạt động dịch vụ của nó sẽ là một “mỏ vàng” cho các nhà kinh doanh. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi tất cả các lễ hội truyền thống ở các làng hay trong phố của Hà Nội đang cố gắng duy trì những giá trị vốn có của lễ hội, đồng thời khai thác triệt để những gì bị lãng quên hay mai một để các lễ hội truyền thống trở lại như xưa, đồng thời sáng tạo thêm những giá trị mới phục vụ cho cuộc sống hôm nay.

Hơn thế, sự phát triển của lễ hội truyền thống sẽ là nguồn lực dồi dào cho sự phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Du khách đến Hà Nội, một Thành phố Vì hòa bình, thành phố sáng tạo và thành phố văn hóa thì vai trò của văn hóa luôn được quan tâm hàng đầu. Lễ hội truyền thống luôn đi kèm theo các tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân địa phương, các sản phẩm ẩm thực, nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn... của riêng Hà Nội, đó chính là những giá trị văn hóa đặc sắc và hấp dẫn để níu chân du khách ở lại Hà Nội. Và đây cũng chính là nguồn lực tiềm tàng để Hà Nội có thể khai thác cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

pv-1.jpg

PGS.TS Lê Ngọc Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học:

Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa

Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của quốc gia, là “trái tim” của cả nước. Vì thế, vấn đề quản lý lễ hội không chỉ là vấn đề của riêng ngành Văn hóa Thủ đô mà còn là của các ngành, các cấp, từ Trung ương đến các địa phương. Thủ đô Hà Nội là nơi hội tụ đậm đặc nguồn tài nguyên văn hóa, tài nguyên nhân văn. Đây là thế mạnh của Hà Nội mà không nơi nào khác có được. Đây cũng là nguồn tài nguyên có thể khai thác để phát triển kinh tế. Vì thế, cần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền Thủ đô và ngành Văn hóa trong việc ứng xử với văn hóa và các vấn đề về lễ hội.

Ngoài lợi thế là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, Hà Nội còn có một lợi thế rất lớn khác là có nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong mọi lĩnh vực sinh sống và làm việc tại Thủ đô. Đây là một nguồn nội lực lớn mà Hà Nội cần tranh thủ khai thác tối đa để phát huy trí tuệ của các nhà khoa học vào việc phát triển bền vững ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực văn hóa, trong đó có lễ hội - một loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội phải coi việc sở hữu 1.206 lễ hội là nguồn tài nguyên tiềm năng, hấp dẫn để khai thác, phát triển du lịch và kinh tế, song song với việc bảo tồn các giá trị truyền thống của các lễ hội. Muốn vậy, cần tranh thủ trí tuệ của các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà dân tộc học, nhân học... để họ đóng góp trí tuệ, tâm huyết và những hiểu biết của mình nhằm khôi phục các giá trị truyền thống và các lễ hội đã bị mai một.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cho các nguồn lực và công tác quản lý lễ hội. Việc khảo sát, lập hồ sơ đầy đủ và phân loại lễ hội theo các loại hình như lễ hội văn hóa, lễ hội lịch sử, lễ hội cách mạng, lễ hội quốc tế... sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội. Song song với đó, cần tranh thủ áp dụng những thành tựu tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 trong việc quảng bá các giá trị lễ hội gắn với phát triển du lịch. Cuối cùng, việc quản lý, bảo tồn lễ hội đòi hỏi phải có sự định hướng, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, con người và các nguồn lực để có tầm nhìn lâu dài, tạo nên một “cú đấm chiến lược” về văn hóa cho giai đoạn 2030 - 2045 với những dấu ấn xứng tầm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống: Tăng cường công tác quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.