Văn hóa

Lễ hội Hà Nội 2024: Điểm sáng an toàn, văn minh

Hoàng Lân 01/03/2024 - 14:19

Đến thời điểm này, trên 400 lễ hội của Hà Nội đã được tổ chức, cơ bản diễn ra an toàn, văn minh.

Đó là đánh giá được nêu tại cuộc họp Giao ban trực tuyến công tác quản lý và tổ chức lễ hội do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì ngày 1-3, với sự tham gia của các quận, huyện.

chua-huong-1.jpg
Lễ hội chùa Hương 2024 diễn ra an toàn.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 lễ hội, đến nay đã có trên 400 lễ hội được tổ chức. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá, cơ bản, các lễ hội diễn ra suôn sẻ, văn minh, an toàn, bảo đảm cho người dân dự lễ hội tươi vui, lượng khách dự hội tăng cao so với những năm trước.

Theo ghi nhận, công tác tổ chức lễ hội năm nay có nhiều nét mới. Tại lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức đã áp dụng hình thức bán vé điện tử tạo sự văn minh, minh bạch, công khai về giá. Việc đưa 2 điểm bán vé tại cổng vào các vị trí trong bãi đậu xe cùng với việc phân luồng giao thông hợp lý đã làm giảm tối đa tình trạng ùn tắc giao thông.

Nhiều di tích của quận Ba Đình như đền Voi Phục, đền Quán Thánh quản lý tiền công đức với hình thức nhận tiền qua mã QR.

Huyện Mê Linh tổ chức khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng theo hình thức mới, điểm nhấn là chương trình bán thực cảnh “Âm vang Mê Linh” sử dụng công nghệ chiếu sáng 3D mapping.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, mặc dù đã có những tiến bộ trong công tác tổ chức nhưng vẫn còn hạn chế tại một số lễ hội, như: Có hiện tượng mở loa, đài công suất lớn để quảng cáo; vẫn còn các trò chơi ăn tiền, xem bói, giải quẻ.

z5205735085517_dcb58aef8b04d0c10aa4f8e0e768a722-1-.jpg
Giao ban trực tuyến công tác quản lý và tổ chức lễ hội do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì vào ngày 1-3.

Về vấn đề này, các địa phương thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn thiếu sót để khắc phục cho những lễ hội sau. Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, tại một số điểm di tích, lễ hội truyền thống lớn vẫn để xảy ta tình trạng ùn ứ giao thông; còn tình trạng người bán hàng trong khu vực lễ hội; thiếu thông tin, chỉ dẫn về điểm di tích. Ông Lê Đại Thăng đề xuất, thời gian tới, địa phương sẽ thực hiện rà soát, thống kê để bổ sung thông tin, chỉ dẫn, chậm nhất đến quý II, 100% di tích có nơi thờ tự, hành lễ sẽ được bổ sung các biển thông tin.

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc, vẫn còn tình trạng người dân chen lấn khi nhận lộc, mặc trang phục chưa phù hợp. “Chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền để người thực hiện văn minh lễ hội, đồng thời nhanh chóng dẹp bỏ những hoạt động cờ bạc trá hình tại lễ hội”, ông Tống Giang Phúc chia sẻ.

Từ nay đến hết năm, tại Hà Nội còn diễn ra khoảng hơn 1.000 lễ hội. Ngoài các lễ hội, hoạt động đi lễ đầu năm cũng đang được kiểm tra, giám sát để bảo đảm diễn ra đúng quy định, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị truyền thống của các lễ hội cũng như hoạt động đi lễ; tăng cường công tác quản lý và tổ chức, bảo đảm lễ hội diễn ra đúng quy định, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh lưu ý, các địa phương cần phổ biến các quy định của pháp luật về lễ hội đến cán bộ và nhân dân; tiếp tục triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Hà Nội 2024: Điểm sáng an toàn, văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.