Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý học sinh đi xe máy: Vẫn là vấn đề “nóng”

Thống Nhất| 21/04/2012 07:08

(HNM) - Mùa thi sắp đến cũng là thời điểm tình trạng học sinh (HS) vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông tăng lên. Đi học bằng xe máy khi chưa có giấy phép lái xe, các cô cậu học trò viện vào những cái cớ nhà xa, trời nắng, đi học thêm nhiều nơi…


Học sinh: Chấp hành đối phó

Để tạo lập ý thức nghiêm túc, tự giác chấp hành quy định chung, trong đó có việc chấp hành luật giao thông của HS, từ năm học 2010-2011, Hà Nội đã thí điểm mô hình quản lý HS đi xe máy khi chưa đủ điều kiện tại 5 trường THPT (Việt Đức, Trần Phú, Phan Đình Phùng, Quang Trung, Kim Liên). Trong thời gian thí điểm, hằng tháng, các thành viên ban chỉ đạo đều dành thời gian đánh giá những mặt được và chưa được, cân nhắc và lựa chọn các phương án phù hợp để thực thi. Đơn giản như việc tìm cách để những điểm trông giữ xe lưu động không thể "chạy" từ phường này sang phường khác, tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng; hay khó hơn là làm thế nào để các nhà giáo đi "vi hành" hoặc cải trang lẽo đẽo theo HS đến từng ngõ ngách gần trường để có được bằng chứng vi phạm.


Tình trạng học sinh vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông có chiều hướng tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: Như Ý

Kết quả thí điểm được đánh giá khả quan khi số vụ vi phạm luật giao thông giảm, bớt đi nhiều HS sử dụng xe máy khi chưa có giấy phép. Nhưng đến nay, đã có ý kiến cho rằng việc chọn 5 trường thí điểm là không "trúng" bởi HS các trường này khá ngoan nên kết quả có được chỉ phản ánh tương đối thực trạng và khiến những người thực thi khó lường hết được những vấn đề nảy sinh. Theo thống kê của các ngành thì số vụ vi phạm giảm hẳn trong thời gian đầu thí điểm, nhưng đó liệu có phải chỉ là kết quả bề nổi?

Có mặt tại cổng Trường THPT Phan Đình Phùng ngày 17-4 vào đầu giờ học buổi chiều, có thể thấy không ít HS phóng xe vào các ngõ ngách quanh trường gửi rồi đi bộ vào trường, thậm chí có em gửi xe xong mới thay đồng phục. HS Trường THPT Trần Phú cũng có nhiều "trụ sở" tin cậy ở phía cổng đường Nguyễn Khắc Cần, có khi xe vừa đi tới đã có người đón sẵn để dắt vào trong mà không cần đưa vé. Không thấy bóng thầy, cô giáo hoặc lực lượng công an, dân phòng nơi cổng trường, một số em thản nhiên vòng vèo xe máy trước cổng rồi mới đi tìm chỗ gửi.

Người lớn: Người siết, người lơi

Từ đầu năm học 2011-2012 đến nay, Hà Nội đã mở rộng việc thí điểm mô hình quản lý HS đi xe máy tới các trường ở 4 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Số lượng HS trong diện quản lý tăng, thành phần phức tạp hơn, khối lượng và áp lực công việc vì thế cũng nhân lên. Hàng loạt biện pháp đã ráo riết được triển khai. Phía công an bố trí lực lượng đi ghi hình, lấy bằng chứng gửi về các trường "phạt nguội"; các điểm trông giữ xe của HS gần trường bị dẹp đi; nhiều thầy, cô giáo, thậm chí cả hiệu trưởng thường xuyên đi sớm hơn để "canh" HS mỗi giờ đến lớp… Tùy theo mức độ vi phạm, các em bị xử lý kỷ luật từ phê bình, cảnh cáo đến hạ hạnh kiểm. Quá trình triển khai đồng loạt các giải pháp đã khiến phần lớn HS dè dặt hơn, nhưng dường như chưa đủ để học trò thực sự tâm phục, khẩu phục.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức - đơn vị được đánh giá có nhiều chuyển biến về ý thức chấp hành luật giao thông của HS cho rằng phải xử lý thật nghiêm khắc những HS vi phạm trong mọi thời điểm. Thực tế, có một số HS vi phạm bị lực lượng công an bắt giữ vẫn có thể xin được tha và "kinh nghiệm" ấy nhanh chóng được phổ biến. Thấy bạn vi phạm mà chẳng bị xử lý gì nên nhiều HS không biết sợ. Một bộ phận phụ huynh cũng chiều con thái quá, thậm chí có HS nhà cách trường 200m vẫn đi xe máy. Không ít em khi mắc khuyết điểm còn nhận được sự hậu thuẫn của cha mẹ. Vì thế, tình trạng vi phạm có chiều hướng lây lan…

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), thời gian qua, các đội cảnh sát giao thông đã tích cực giám sát, kiểm tra việc chấp hành luật giao thông của HS. Trong đợt ra quân những ngày đầu tháng 4, có chốt trực của cảnh sát giao thông mỗi ngày lập biên bản và thu giữ phương tiện gần hai chục trường hợp HS vi phạm. Tuy nhiên, theo đánh giá của đơn vị này thì việc phối hợp quản lý, xử lý HS vi phạm chưa đồng bộ. Danh sách 187 HS vi phạm bị lực lượng công an xử lý thời gian qua đã được gửi về các trường học nhưng cho đến thời điểm này, cơ quan công an chưa nhận được phản hồi nào của ngành giáo dục.

Những gì mắt thấy, tai nghe cho thấy, nếu như việc phối hợp quản lý, xử lý HS sử dụng xe máy khi chưa có giấy phép chỉ được tăng cường theo chiến dịch và không có sự kiểm điểm trách nhiệm rõ ràng từ phía các cơ quan quản lý thì khó thể giảm được tình trạng HS vi phạm luật giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý học sinh đi xe máy: Vẫn là vấn đề “nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.