(HNMO) – Trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa… có hàng trăm tuyến hè phố, tuy nhiên, mỗi nơi đầu tư, khai thác, quản lỹ một kiểu gây nhiều bất cập.
Đã đầu tư nhiều tỷ đồng để cải tạo hè phố
Thống kê từ Sở GTVT cho biết, trên địa bàn quận Ba Đình có 93 tuyến hè phố. Sở GTVT quản lý 21 tuyến hè phố từ tháng 12/2011 và Sở đặt hàng cho BQL dự án duy tu hạ tầng giao thông và Công ty TNHH MTV công trình giao thông Hà Nội thực hiện sửa chữa duy tu. Trong khi đó, UBND quận Ba Đình quản lý 72 tuyến (chỉ quản lý hè). UBND quận đặt hàng sửa chữa hè phố cho BQL dự án và một số đơn vị vị duy tu.
Trong hoạt động đầu tư, UBND quận Ba Đình đã đầu tư cải tạo 39 tuyến hè phố với số vốn khoảng 141 tỷ đồng; Trong năm 2013, Sở Giao thông Vận tải Đầu tư cải tạo hè Trần Phú, Ông Ích Khiêm với tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ đồng. Trong đợt chỉnh trang đô thị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, trên địa bàn quận Ba Đình đã thực hiện dự án cải tạo hè, hạ ngầm đường dây đi nổi với các tuyến như: Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Điện Biên Phủ - Kim Mã – Nguyễn Thái Học, Quan Thánh, Phan Đình Phùng….
Bên cạnh đó, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 166 tuyến hè phố. Trong những năm gần đây, quận và Sở GTVT cũng làm chủ đầu tư một số dự án cải tạo hè phố với mức vốn trên 555,6 tỷ đồng; Hạ ngầm đường dây đi nổi tuyến xung quanh hồ Hoàn Kiếm, phố Hai Bà Trưng, Hàng Bài.
Mặt khác, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cũng có 92 tuyến hè phố; Quận Đống Đa có 73 tuyến hè phố… cũng được “bơm” vốn duy tu, cải tạo.
“Rối” vì nhiều đầu mối quản lý
Nhìn chung, tại các quận trên, các tuyến hè đã được cải tạo mặt hè khá êm thuận. Viêc cải tạo chỉnh trang hè đồng bộ kết hợp hạ ngầm đường dây cáp được thực hiện từ năm 2010. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo trì hè tại các quận được giao cho nhiều đơn vị (phường hoặc BQLDA…), dẫn đến việc quản lý không thống nhất. Công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, tiếp nhận bàn giao sau cấp phép đào hè chưa có bộ máy chuyên trách (hiện chủ yếu giao cho Phòng quản lý đô thị, UBND các phường, các BQLDA, Tổ giám sát cộng đồng…). Theo đó, còn tồn tại hiện tượng hè bị sụt lún, cập kênh tại những vị trí hoàn trả sau thi công. Việc hợp đồng với đơn vị duy tu hè chưa bao gồm việc tuần tra, kiểm tra hè phố, dẫn đến việc phát hiện những tồn tại trên hè phố chưa kịp thời.
Đáng chú ý, kết cấu hè áp dụng trong việc cải tạo hè chưa thống nhất, chưa tạo được sự đồng bộ. Hè phố Hà Nội như mảnh vải hoa, mỗi nơi vẽ một kiểu. Hơn nữa, kết cấu các tuyến hè dành cho người đi bộ nhưng khi đường bị ùn tắc hay ngập úng là các phương tiện khác đổ xô “trèo” lên, cùng với việc sửa chữa không đồng bộ, nên các tuyến hè nhanh xuống cấp. Bên cạnh đó, một số ngành điện, nước… khi cải tạo hè đồng bộ không đặt đường ống ngay, khi đi vào sử dụng lại xin đào hè, đường để chạy đường dây, ống dẫn nước… gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị, tạo phản ứng trong xã hội…
Cần sự quản lý chuyên nghiệp và đồng bộ mẫu thiết kế hè phố
Trước thực trạng trên, Sở GTVT đang đề nghị UBND TP cho hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn công tác quản lý, đầu tư, khai thác sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, nhất quán. Hoàn thiện thiết kế mẫu hè phố, tạo tính đồng bộ, bền vững, mỹ quan đô thị; gia cường những vị trí hè có bãi đỗ xe. Đặt hàng việc duy tu hè với một đơn vị chuyên ngành, có đủ năng lực.
Sở GTVT cũng kiến nghị xiết chặt thêm việc kiểm tra sau cấp phép đào hè và sử dụng hè đường. Giao cho đơn vị được ký hợp đồng đặt hàng quản lý, duy tu hè chịu trách nhiệm giám sát công tác hoàn trả hè đường, chịu trách nhiệm về chất lượng hè phố do quận quản lý. Sở Xây dựng quản lý về chất lượng công trình xây dựng trên toàn địa bàn TP, hướng dẫn công tác quản lý chất lượng hè phố trong và sau khi thực hiện các dự án, công trình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.