(HNM) - Giấy phép kinh doanh không quy định thời hạn, nội dung tại nhiều văn bản pháp luật còn chồng chéo, thiếu hướng dẫn cụ thể, thiếu chế tài xử lý khiến công tác quản lý dịch vụ văn hóa, vũ trường, karaoke… thời gian qua còn lúng túng, vướng mắc, đụng đâu cũng khó.
Công tác quản lý dịch vụ văn hóa, vũ trường, karaoke còn nhiều bất cập. (Ảnh minh họa).Ảnh: Mạnh Hà |
Cơ sở "lách luật", chính quyền lúng túng
Chỉ ít ngày nữa Thông tư 47/TT-BCA của Bộ Công an quy định các điều kiện về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong kinh doanh dịch vụ văn hóa, vũ trường, karaoke chính thức có hiệu lực (4-12-2017). Điều này có nghĩa, các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, vũ trường, karaoke… không đáp ứng yêu cầu, sẽ phải dừng hoạt động. Thế nhưng, theo khảo sát sơ bộ của Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội ở một số quận nội thành vào cuối tháng 11, vẫn có tới 80% số cơ sở chưa bảo đảm tiêu chí tại Thông tư nêu trên.
Thực trạng này là do đặc thù “đất chật, người đông” của khu vực nội thành; mặt bằng kinh doanh của hầu hết các cơ sở đều được cải tạo từ nhà ở; chi phí cải tạo, hoàn thiện các điều kiện kinh doanh, nhất là về PCCC khá tốn kém… Cùng với đó là những bất cập, tồn tại trong một số nội dung hướng dẫn bảo đảm điều kiện kinh doanh cũng như kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, quá trình cải tạo, sửa chữa, bổ sung các điều kiện về PCCC, các cơ sở kinh doanh đã đầu tư, lắp đặt cửa chống cháy theo Thông tư 47/TT-BCA. Tuy nhiên, các loại cửa này có diện tích ô kính không bảo đảm điều kiện theo Nghị định 103/2009/ NĐ-CP của Chính phủ về ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Không ít thiết bị PCCC bảo đảm các yêu cầu của Thông tư 47/TT-BCA lại chưa có mặt trên thị trường. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về điều kiện kinh doanh gặp khó, bởi nhiều chủ cơ sở "tránh mặt" cơ quan chức năng bằng cách ủy quyền quản lý, điều hành hoạt động cho cá nhân khác.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt, khó khăn lớn nhất trong xử lý vi phạm kinh doanh dịch vụ văn hóa là chưa có quy định về thu hồi giấy phép khiến các địa phương lúng túng, không biết xử lý vi phạm thế nào. Thêm nữa, một số nội dung xử phạt hành chính quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP không cụ thể, thiếu chi tiết, rất khó thực thi. Trên thực tế, dù tổ chức kiểm tra, xử phạt nhiều lần, nhưng các cơ sở vẫn tái phạm, bởi họ biết chưa có quy định về thu hồi giấy phép. Nhiều cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động “lách luật” bằng hình thức “hát cho nhau nghe” hoặc mở dịch vụ cà phê, giải khát có trang bị hệ thống thiết bị karaoke phục vụ khách... Xử lý những biến tướng này, không hề đơn giản!
Siết chặt quản lý
Việc thiếu chế tài xử lý gây khó cho công tác quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa. Ảnh: Linh Ngọc |
Hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường… là loại hình nhạy cảm, thường xuyên tiềm ẩn, phát sinh những sai phạm, song đội ngũ quản lý, giám sát dịch vụ văn hóa tại cơ sở lại rất thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều phần việc, rất khó khăn để tổ chức kiểm tra, giám sát. Qua đợt kiểm tra của Đoàn liên ngành thành phố cho thấy, bên cạnh các lỗi về thiết kế phòng hát, kích thước cửa, thiếu lối thoát hiểm, thang bộ, các trang thiết bị PCCC..., còn có các vi phạm về thời gian hoạt động, nội dung kinh doanh, quy định về sử dụng tiếp viên.
Để siết chặt quản lý dịch vụ này, Nhà nước cần nghiên cứu quy định thu hồi giấy phép kinh doanh để các ngành, chính quyền địa phương có cơ sở pháp lý khi đình chỉ hoạt động; đồng thời, bắt buộc các cơ sở chấp hành nghiêm quy định trong kinh doanh dịch vụ văn hóa. Ông Lê Bình Minh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, không ít cơ sở sẵn sàng chịu phạt nhiều lần, bởi lẽ, thu nhập từ hoạt động kinh doanh lớn hơn rất nhiều. Chỉ khi có quy định về thu hồi giấy phép mới đủ sức răn đe, buộc chủ cơ sở khắc phục các điều kiện kinh doanh.
Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung đề xuất, ngoài quy định về rút giấy phép, để quản lý dịch vụ văn hóa hiệu quả, Nhà nước cần sớm có hướng dẫn cụ thể về cấp giấy phép xây dựng cho những công trình nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ (khách sạn, vũ trường); sửa đổi thủ tục hành chính về cấp phép kinh doanh karaoke, vũ trường theo hướng các cơ sở phải hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật về PCCC và an ninh trật tự xong thì mới thực hiện thủ tục xin giấy phép hoạt động. Thống nhất quy định giữa hai bộ thủ tục hành chính của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và UBND TP Hà Nội để cấp cơ sở dễ triển khai và bổ sung các hình thức phạt tăng nặng với trường hợp vi phạm các điều kiện kinh doanh cũng như PCCC…
Còn theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, TP Hà Nội nên có cơ chế đặc thù đối với các cơ sở kinh doanh karaoke đã hoạt động từ trước thời gian Thông tư 47/TT-BCA ra đời và giảm thiểu một số nội dung quy định trong thông tư này như hệ thống chữa cháy tự động thay bằng bình cầu chữa cháy tự động... cho khu vực nội thành. Về việc tạm dừng cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình đề nghị UBND TP Hà Nội sớm có văn bản hướng dẫn việc cấp giấy phép kinh doanh karaoke cho các tổ chức, cá nhân khi họ bảo đảm điều kiện về PCCC; đồng thời, tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản lý văn hóa, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở...
Như vậy, việc sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa đang là yêu cầu cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc rốt ráo của các ngành chức năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.