Góc nhìn

Quản lý chặt nguồn thu

Gia Khánh 12/07/2023 - 06:13

Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán (trong đó thu ngân sách trung ương đạt 57% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt hơn 50% dự toán). So với cùng kỳ năm 2022, mức thu này giảm 7,8% (6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước đạt 67,4% dự toán).

Số liệu trên của Bộ Tài chính cho thấy tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn; thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đình trệ; tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến… đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Mức giảm trên không thực sự lớn nhưng vẫn đặt ra yêu cầu các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Tài chính phải có giải pháp về quản lý thu ngân sách, bảo đảm hoàn thành dự toán năm 2023.

Thực tế, ngay từ đầu năm, ngành Tài chính đã bám sát tình hình kinh tế - xã hội, đưa ra dự báo, xác định nguyên nhân và triển khai các giải pháp khắc phục. Điển hình là các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được triển khai trên diện rộng, góp phần giúp ngành Tài chính đạt kết quả thu ngân sách như trên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, để đạt dự toán thu ngân sách cả năm 2023 là 1.620 nghìn tỷ đồng, trong những tháng cuối năm nay, các giải pháp thu ngân sách phải được triển khai quyết liệt, triệt để hơn nữa. Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương, tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời; đồng thời tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên những khoản không cần thiết; thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất đã ban hành…

Điều đó có nghĩa, trước hết, ngành Tài chính và các địa phương phải bám sát tình hình thực tế, điều hành chính sách chủ động, linh hoạt; nghiên cứu, đề xuất giải pháp thu ngân sách phù hợp để vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm nguồn thu. Đặc biệt, khi nền kinh tế trong nước chịu tác động rất lớn từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động bám sát bối cảnh quốc tế, tập trung phân tích, dự báo, xây dựng phương án điều hành, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, từ đó quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Cùng với đó, các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách về thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ đọng, xử lý các khoản phải thu theo kiến nghị của thanh tra, kiểm toán cũng phải được thực hiện triệt để, hiệu quả.

Bên cạnh giải pháp thu, cần tiếp tục triển khai các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu. Đó là chính sách tài khóa kết hợp chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Đó là chính sách kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023. Đó còn là việc tiếp tục rà soát, loại bỏ cơ chế, chính sách cản trở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục cải cách, hiện đại hóa quản lý thuế, tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, lành mạnh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và kiến tạo cơ hội phát triển hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chặt nguồn thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.