Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Washington - New Delhi: Cân bằng cán cân quyền lực tại khu vực

Đình Hiệp| 27/01/2015 06:52

(HNM) - Đích thân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ra tận chân cầu thang chuyên cơ Air Force One đón Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay khi đáp xuống sân bay quân sự Palam ở thủ đô New Delhi. Việc làm không theo nghi lễ ngoại giao truyền thống này của ông N.Modi đã cho thấy vị thế quan trọng của Mỹ

Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong buổi họp báo chung tại New Delhi, ngày 25/01/2015. Ảnh REUTERS/Adnan Abidi



Từng được Tổng thống B.Obama xác định là "đối tác tự nhiên" trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 11-2010 nhưng mối quan hệ này đã trải qua không ít sóng gió. Trong thời kỳ lãnh đạo của cựu Thủ tướng Manmohan Singh, việc xích lại gần hơn với Mỹ đã không được coi là trọng tâm ưu tiên khi chính giới Ấn Độ cho rằng dù Mỹ là cường quốc số 1 thế giới nhưng lại ở xa quốc gia này. Do vậy, Ấn Độ dành mối quan tâm hàng đầu cho việc đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng. Tuy nhiên, kể từ khi ông N.Modi trở thành thủ tướng vào tháng 5-2014, quan hệ Ấn - Mỹ đã có bước chuyển mạnh mẽ. Chỉ 4 tháng sau khi nắm giữ vị trí nhà lãnh đạo đất nước, ông N.Modi đã có chuyến thăm 5 ngày đến Mỹ vào tháng 9-2014. Hàng loạt thỏa thuận quan trọng đạt được đã thổi làn gió ấm cho mối quan hệ song phương đầy tiềm năng.

Tuy lịch trình chuyến thăm đã rút ngắn hơn so với dự kiến nhưng một loạt nội dung được Tổng thống B.Obama và Thủ tướng N.Modi bàn thảo trong cuộc hội đàm đã dành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Theo đó, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, hạt nhân dân sự, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, hợp tác kinh tế, chia sẻ thông tin tình báo… Trong đó, đáng chú ý là sự kiện hai bên đạt thỏa thuận nhằm phá vỡ thế bế tắc kéo dài 6 năm qua liên quan đến hợp tác hạt nhân dân sự song phương. Năm 2008, Ấn Độ và Mỹ đã đạt một thỏa thuận mang tính lịch sử cho phép quốc gia Nam Á này tiếp cận các công nghệ hạt nhân vì mục đích dân sự. Tuy nhiên, thỏa thuận bị ngưng trệ do sự quan ngại của Mỹ liên quan tới các điều khoản nghiêm ngặt của Ấn Độ về vấn đề pháp lý trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân. Dù nội dung chi tiết thỏa thuận không được tiết lộ, song theo Tổng thống B.Obama đây là bước đi quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Kinh tế cũng là một lĩnh vực được quan tâm khi hợp tác thương mại Mỹ - Ấn hiện chỉ ở mức 63 tỷ USD năm 2013, con số mà cả Washington và New Delhi đều cho là còn khiêm tốn. Ấn Độ muốn thuyết phục các công ty đa quốc gia Mỹ tin tưởng rằng, đất nước Nam Á là một nền kinh tế đang phát triển mạnh, một thị trường lớn với chi tiêu của người dân đạt hơn 1.100 tỷ USD.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một tổng thống Mỹ được mời làm khách chính yếu tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ - diễn ra sáng 26-1 tại thủ đô New Delhi. Ngược lại, cũng lần đầu tiên một nhà lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới thăm Ấn Độ lần thứ hai trong thời gian tại nhiệm. Những chi tiết này đã thể hiện rõ ràng cho sự coi trọng vị thế của đối tác trong chính sách đối ngoại của cả hai nước. Thông qua những cam kết làm sâu sắc quan hệ với Ấn Độ, Tổng thống B.Obama cũng thúc đẩy việc thực hiện chiến lược xoay trục sang Châu Á trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ.

Chuyến công du Ấn Độ của Tổng thống B.Obama được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều xung lực mới cho quan hệ hai nước. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là hai bên không còn những rào cản cần vượt qua. Đó là những khác biệt về thương mại, các luật về hạt nhân khiến Mỹ khó bán các lò phản ứng cho New Delhi, các cam kết ràng buộc về khí thải carbon của Ấn Độ hay những khác biệt về ngoại giao… Với chính sách đối ngoại độc lập tự chủ và không muốn lệ thuộc vào nước nào, Chính phủ của Thủ tướng N.Modi một mặt đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, nhưng mặt khác lại thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng. Do đó, vẫn còn quá sớm để quan hệ Mỹ - Ấn tạo thành một "đồng minh chiến lược" như Mỹ với Nhật Bản hay Australia. Dẫu vậy, trong bối cảnh nền chính trị quốc tế và khu vực Châu Á có nhiều biến động, một mối quan hệ nồng ấm giữa Washington và New Delhi sẽ tạo nên đối trọng cần thiết nhằm cân bằng cán cân quyền lực tại khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Washington - New Delhi: Cân bằng cán cân quyền lực tại khu vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.