Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel: Nấc thang căng thẳng mới

Quỳnh Dương| 09/09/2011 06:54

(HNM) - Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vừa tăng lên một nấc thang mới khi Ankara ngày 6-9 tuyên bố đình chỉ mọi quan hệ, bao gồm cả thương mại, quân sự và công nghiệp quốc phòng với Tel Avip; đồng thời cảnh báo sẽ tăng cường lực lượng hải quân tuần tra tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải.

Đây được xem là những động thái trả đũa mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Israel từ chối đưa ra lời xin lỗi về vụ hải quân nước này tấn công đoàn tàu chở hàng Mavi Marmara cứu trợ cho Gaza ngày 31-5-2010, làm 9 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.

Tàu Mavi Marmara sau vụ tấn công bị Israel tạm giữ tại cảng Haifa - rời cảng này của Israel ít ngày sau đó bằng tàu kéo của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP


Trên thực tế, ngay từ khi vụ việc xảy ra cách đây hơn một năm, quan hệ giữa hai nước đã tụt dốc nhanh chóng. Căng thẳng tiếp tục gia tăng ít ngày gần đây sau vụ rò rỉ một báo cáo chưa được công bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về con tàu Mavi Marmara xấu số. Nội dung của bản báo cáo được đăng trên tờ New York Times cho thấy LHQ kết luận rằng, việc hải quân Israel phong tỏa Dải Gaza là hợp pháp, nhưng họ đã sử dụng vũ lực "quá giới hạn" và "không hợp lý" trong cuộc tấn công nói trên. Báo cáo kêu gọi Israel cần thể hiện sự hối tiếc về vụ việc và bồi thường cho gia đình những nạn nhân. Mặt khác, báo cáo cho rằng các nhà hoạt động tổ chức chuyến đi cũng góp phần dẫn đến những cái chết nói trên.

Phản ứng trước báo cáo trên, một tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, nước này chấp nhận kết luận của LHQ; đồng thời tỏ ý "rất lấy làm tiếc" trước những tổn thất nhân mạng. Tuy nhiên, Tel Avip khẳng định sẽ không xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ vì cho rằng nước này "có quyền phòng vệ chính đáng".

Nhiều nhà phân tích cho rằng, xung đột ngoại giao sẽ gây tổn thất cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối chấp nhận kết luận của LHQ sẽ mất đi uy tín ngoại giao trên trường quốc tế và bị coi như quốc gia chỉ quan tâm đến quan điểm của riêng mình. Còn về phía Chính phủ Israel, khi để cho quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ xuống thấp, Tel Avip có nguy cơ mất một người bạn Hồi giáo hiếm hoi ở Trung Đông - nơi đồng minh cũ của Tel Aviv như cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã bị phế truất. Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khuyến khích các nước Hồi giáo còn lại ở khu vực đưa ra những động thái tương tự.

Những bất đồng ngày càng leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cũng không khỏi khiến Washington lo ngại. Vì cả Tel Avip và Ankara đều là đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Thời gian gần đây, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng được đánh giá cao trong khu vực, nhất là từ khi các cuộc cách mạng mang tên "mùa xuân Arab" bùng nổ. Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý cho phép Mỹ đặt hệ thống radar tối tân ở nước này, nhằm giúp chống lại mối đe dọa tên lửa từ Iran. Ankara cũng có những tuyên bố cứng rắn đối với Syrie về trấn áp người biểu tình, động thái được xem là đứng về phía Israel. Vì vậy, các quan chức Mỹ lo ngại rằng đổ vỡ quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel có thể gây ảnh hưởng tới cái gọi là quá trình chuyển giao dân chủ ở Trung Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel: Nấc thang căng thẳng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.