(HNM) - Mối quan hệ hữu hảo bấy lâu nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang ở trong vùng
Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua những ngày sóng gió. |
Thái độ gay gắt bất ngờ của Ankara đối với Mátxcơva những ngày gần đây trái ngược hẳn với bầu không khí nồng ấm từng thấy trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm 2014. Chẳng nói đâu xa, ngay cuối tháng 9 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan vẫn khẳng định, trong 10 năm qua, quan hệ giữa hai nước luôn ở trong tình trạng nồng ấm. Năm 2014, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 31 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm nay, con số này là 11 tỷ USD. Vì thế, có lúc, hợp tác thương mại Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã được coi như một hình mẫu về quan hệ kinh tế hiệu quả.
Những tranh cãi mới bùng phát giữa hai bên không khỏi khiến dư luận quốc tế nghi ngại về triển vọng các dự án hợp tác mà hai bên đã thỏa thuận trong thời gian gần đây. Trong số đó, đáng chú ý có hợp đồng xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Akkuyu trị giá tới 20 tỷ USD với Tập đoàn Năng lượng Nga Rosatom, được khởi công xây dựng hôm 14-4 tại tỉnh Mersin.
Ngoài ra, kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí TurkStream do Tập đoàn Khí đốt Nga Gazprom triển khai nhằm thay thế dự án Dòng chảy phương Nam, vốn đã bị hủy với các đối tác Châu Âu, cũng đã tạm dừng. Điều này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả hai bên vì hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thị trường tiêu thụ năng lượng quan trọng của Nga trong dài hạn. Nhu cầu khí đốt tự nhiên của quốc gia này đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Ngược lại, nếu TurkStream ngừng triển khai, Ankara cũng sẽ mất đi một kênh bảo đảm an ninh năng lượng, đồng thời cũng mất luôn cả khoản lợi lớn thu được từ vai trò một nhà trung chuyển khí đốt.
Tuy nhiên, dù có quan hệ khăng khít với Nga trong nhiều lĩnh vực, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải nghiêng nhiều hơn về phía các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhất là khi nước này đang đối mặt với gánh nặng về quân sự, kinh tế và nhân đạo từ cuộc chiến Syria. Kể từ khi cuộc nội chiến tại nước láng giềng bắt đầu năm 2011, tương tự các đồng minh NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn các nhóm nổi dậy mạnh nhất ở miền Bắc Syria với mong muốn lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và thiết lập một vùng an toàn cho người Syria di chuyển.
Tuy nhiên, các cuộc không kích của Nga mới đây đã buộc nước này phải thay đổi các tính toán trước đó và tìm kiếm các quy tắc trò chơi mới giống như Mỹ và các nước khác ủng hộ phe đối lập ở Syria đang thực hiện - bất chấp Mátxcơva khẳng định, ưu tiên hàng đầu của họ là cuộc chiến chống IS, trùng với mục tiêu của liên minh do Mỹ dẫn đầu. Phương Tây tin rằng Nga triển khai nhiều thiết bị quân sự không cần thiết để chống IS, như tên lửa đất đối không và máy bay đánh chặn vì những mục đích chiến lược khác. Điều này làm dấy lên lo ngại, kế hoạch thiết lập vùng cấm bay hay vùng an toàn như đã làm ở Libya sẽ bị Nga thách thức.
Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ đang ở vị thế khá khó khăn trong quan hệ với Nga bởi mối quan hệ kinh tế giữa hai nước rất sâu rộng. Tuy nhiên, vì lợi ích cốt lõi, Ankara buộc phải lựa chọn đứng về phía các đồng minh để làm suy giảm ảnh hưởng của Nga trong vấn đề Syria và gia tăng vai trò của mình trong khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.