(HNM) - Căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật về tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chưa có dấu hiệu được cải thiện thì quan hệ Nga - Nhật đã có bước tiến triển tích cực.
Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của LB Nga và Nhật Bản trong cuộc họp tại Tokyo. |
Cuộc họp lần đầu tiên theo phương thức 2+2 - giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera với hai người đồng cấp Nga Sergey Lavrov và Sergei Shoigu - tại thủ đô Tokyo ngày 2-11 đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Dù chưa đạt được những thỏa thuận quan trọng, nhưng cuộc diện kiến đầu tiên này đã góp phần xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia trong bối cảnh Tokyo đang thúc đẩy đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài. Đây là "hòn đá tảng" đã ngăn cản việc LB Nga và Nhật Bản ký hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Nhìn vào tiến trình lịch sử hơn sáu thập niên qua, quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế này luôn bị phủ bóng bởi tranh chấp lãnh thổ với cái tên quần đảo Kuril - phía Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc (ở phía Bắc Thái Bình Dương gồm các đảo Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai). Tranh chấp này là một rào cản để hai nước có thể tiến tới ký kết một hiệp định hòa bình vĩnh viễn kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori từng đề xuất chính phủ nên thu hồi ba trong nhóm đảo này, để lại đảo Iturup cho Nga nhằm giải quyết tranh chấp. Nhưng, đề xuất này đã bị nội các Nhật Bản bác bỏ. LB Nga cũng tuyên bố không bao giờ từ bỏ chủ quyền với nhóm đảo này. Năm 2010, Tổng thống Dmitry Medvedev khi còn đương chức đã thực hiện chuyến thăm lần đầu tiên tới quần đảo Kuril với tuyên bố Nga sẽ tăng cường sự hiện diện quân đội tại đây. Ngay lập tức, động thái này đã đưa quan hệ Nga - Nhật lên một mức căng thẳng mới. Dù là bạn hàng chính của Nga trong lĩnh vực năng lượng nhưng tranh chấp lãnh thổ đã tác động lớn đến hợp tác kinh tế giữa hai nước và đẩy Nga xuống vị trí thứ 15 trong tổng số các đối tác thương mại không thể bỏ qua của Nhật Bản.
Trong bối cảnh đó, cái bắt tay cùng lúc của bốn vị bộ trưởng tại Tokyo không chỉ đánh dấu cuộc đàm phán đầu tiên trong lịch sử Nga - Nhật theo công thức "2 +2", mà sự kiện này còn được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho quan hệ hợp tác mới vì lợi ích của toàn khu vực. Đây là một trong những động thái cho thấy quan hệ giữa hai nước đang ấm lên một cách đáng kể bởi trước đây Nhật Bản chỉ tổ chức các cuộc hội đàm kiểu này với những đồng minh thân thiết như Mỹ hay Australia. Cuộc hội đàm được cho là kết quả từ 4 cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng với hàng loạt cuộc trao đổi quan chức cấp cao hai nước trong vòng 6 tháng qua.
Lạc quan cho rằng sự kiện này đã mở ra "một trang mới cho hợp tác Nhật-Nga về an ninh và quốc phòng", phát biểu với báo giới ngoại trưởng Nhật Bản F.Kishida khẳng định: Hai nước nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và giao lưu con người, hai bên cũng nhất trí tổ chức các cuộc diễn tập chung về chống khủng bố và chống cướp biển giữa Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản và Hải quân Nga, hai nước cũng sẽ hợp tác thảo luận về an ninh và giảm nhẹ thiên tai trong các khuôn khổ đa phương như Hội nghị Cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN; đồng thời chia sẻ thông tin trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Các bộ trưởng nhất trí duy trì các cuộc họp 2+2 và dự kiến cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2014 tại Mátxcơva.
Quan hệ LB Nga - Nhật Bản đang đứng trước nhiều triển vọng và cơ hội nhằm đạt được một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn. Trong bối cảnh sự phụ thuộc giữa các quốc gia ngày càng lớn, những thị trường truyền thống như Châu Âu đang lâm vào khủng hoảng, Mỹ cũng vừa thoát khỏi đà suy thoái, không gì hơn là cả LB Nga và Nhật Bản cùng tìm kiếm những điểm chung để giải quyết "các khác biệt" nhằm bảo đảm hòa bình lâu dài cho sự phát triển của hai cực mạnh trên toàn cầu.
Sự kiện 2+2 Nga - Nhật vừa kết thúc cho thấy quyết tâm của hai cường quốc nhằm vượt lên những thách thức "truyền thống" - tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán. Tuy nhiên, những bất đồng tồn tại hơn 60 năm qua cần phải mất một khoảng thời gian dài và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả đôi bên trước khi tất cả các vấn đề có thể được giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.