(HNM) - Quan hệ Nga - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại rơi vào vùng
Montenegro sẽ trở thành thành viên thứ 29 của NATO. |
Ngày 19-5 (giờ Việt Nam) tại trụ sở NATO ở thủ đô Brussels, Bỉ, các ngoại trưởng của 28 quốc gia thành viên và Thủ tướng Cộng hòa Montenegro Milo Dukanovic đã ký Nghị định thư kết nạp quốc gia Balkan này vào liên minh quân sự. Đây là bước cần thiết để đất nước hơn 600 nghìn dân này trở thành thành viên thứ 29 của NATO. Thủ tướng M.Dukanovic cho biết sau 10 năm kể từ ngày Độc lập (3-6-2006), Montenegro đang tiến gần hơn tới việc trở thành thành viên của NATO và điều đó cho thấy Montenegro có tầm nhìn rõ ràng về tương lai đất nước. Người đứng đầu Chính phủ Montenegro nhận định bước tiến của nước này về phía NATO sẽ tác động đến việc tăng cường sự ổn định và an ninh trong khu vực Tây Balkan. Về phần mình, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng: Nghị định thư vừa được ký kết mới chỉ là bước đệm trong tiến trình đưa Montenegro trở thành thành viên đầy đủ của NATO và quốc gia này cần tiếp tục thực hiện các cải cách. Cần 18 tháng để 28 nước trong NATO phê chuẩn thỏa thuận này. Nhưng, với bước đi vừa qua gần như chắc chắn Montenegro sẽ trở thành thành viên chính thức của NATO.
Montenegro là một quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Âu với diện tích chỉ hơn 14.000km2 và có khoảng 2.000 binh sĩ tại ngũ. Do đó, có thêm thành viên thứ 29 gần như không làm thay đổi lực lượng trong nội bộ NATO. So với Ukraine và Gruzia, sự kiện NATO chọn kết nạp Montenegro có thể coi là một lựa chọn "an toàn" nhất trong quan hệ với Nga vào thời điểm này. Bởi lẽ, "nhất cử nhất động" của NATO trong cuộc "đông tiến" đều là một thách thức chiến lược với Điện Kremlin. Nga luôn cho đó là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước Nga. Điều đó khiến NATO buộc phải cân nhắc trước bất kỳ sự "mở rộng" nào. Việc chọn Montenegro, một nước nhỏ, cách xa biên giới Nga nhưng lại sở hữu một vị trí địa - chiến lược hiểm yếu trên bờ biển Adriatic cho thấy NATO đang chơi ván bài tâm lý với Nga.
Ngay sau khi Nghị định thư kết nạp Montenegro được ký kết, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng hơn nữa tại Châu Âu. Phát biểu với báo giới ngày 20-5, ông D.Peskov nhấn mạnh: Việc NATO tiếp tục "bành trướng" là "tiến trình tiêu cực" và không đem lại lợi ích gì dưới góc độ an ninh Châu Âu, ngược lại sẽ làm gia tăng căng thẳng hơn nữa tại châu lục. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng việc mở rộng của NATO là một âm mưu thay đổi bức tranh chính trị quân sự Châu Âu và nhằm kiềm chế Nga.
Trên thực tế, nếu đặt sự kiện kết nạp Montenegro vào NATO trong bối cảnh hiện tại thì rõ ràng đây là một "nước cờ" chiến lược của NATO. Khối này đã dần bủa vây Nga bằng việc mở rộng dần lãnh thổ sang phía Đông, đe dọa trực tiếp đến biên giới "mềm" của Mátxcơva. Cũng phải nói thêm, trước đó chỉ ít ngày, NATO đã khánh thành hệ thống phòng thủ chống tên lửa đầu tiên ở Châu Âu tại Deveselu (Romania) và xây dựng hệ thống thứ hai ở Redzikowo (Ba Lan). Và để đối phó, Nga tuyên bố thành lập hai sư đoàn mới ở Smolensk và Voronezh ở phía Tây, cùng một sư đoàn khác ở Rostok trên Sông Đông (Rostov-on-Don) ở phía Nam.
Động thái tăng cường lực lượng quân sự dọc biên giới cùng kế hoạch hiện đại hóa quân đội của cả hai bên đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang hoặc một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới có thể xảy ra giữa Nga với Mỹ và NATO.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.