(HNM) - Căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ suốt một năm qua đang có dấu hiệu
Thỏa thuận trên được xem như bước lấy lại đà cho mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới và là kết quả đáng khích lệ sau chuyến thăm của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon tới Mátxcơva trong hai ngày 14, 15-4. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn tồn tại quá nhiều vấn đề ngáng trở giữa hai "ông lớn" trên bàn cờ địa - chính trị thế giới hiện nay, dư luận thế giới không đặt nhiều kỳ vọng vào hai cuộc gặp này.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ T.Donilon (phải) trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga S.Lavrov tại Mátxcơva ngày 15-4. |
Nhìn lại, 2012 có thể coi là một năm đầy sóng gió trong quan hệ Nga - Mỹ với hàng loạt các biện pháp trả đũa lẫn nhau như Mátxcơva chấm dứt hoạt động của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Nga, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật Magnitsky - một đạo luật được đặt theo tên của luật sư người Nga Sergei Magnitsky bị chết hồi tháng 11-2009 trong nhà giam của Nga trước khi được đưa ra xét xử về tội trốn thuế. Bất chấp sự giải thích của Nga nói rằng vị luật sư chết do bệnh tim, phía Mỹ vẫn xác định là do bị "tra tấn". Ngay sau đó, Quốc hội Nga cũng thông qua đạo luật cấm người Mỹ nhận con nuôi từ Nga. Gần đây nhất, chính quyền Tổng thống B.Obama đã liệt kê danh sách 18 quan chức Nga được cho là "vi phạm nhân quyền" bị cấm nhập cảnh vào Mỹ và các tài sản của họ ở Mỹ sẽ bị phong tỏa. Đáp lại, Mátxcơva cũng ngay lập tức công bố danh sách 18 quan chức Mỹ bị cấm nhập cảnh vào Nga...
Trên thực tế, ngay trong thời kỳ được cho là khởi sắc nhất trong quan hệ Nga - Mỹ, tức là thời điểm hai bên cùng nhấn nút "tái khởi động" năm 2009, thì những vấn đề được cho là cội rễ của những bất đồng vẫn luôn hiển hiện. Trong mớ bòng bong khó gỡ đó, nổi bật và dễ nhận ra nhất là chiến lược xây dựng Hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) của Mỹ ở Châu Âu. Không chỉ vậy, mâu thuẫn Nga - Mỹ tiếp tục được khoét sâu bởi một loạt vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng như chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, tên lửa của CHDCND Triều Tiên hay diễn biến của "Mùa xuân Arab" và đặc biệt là cuộc khủng hoảng ở Syria... Lẽ dĩ nhiên các động thái của Mỹ khiến Mátxcơva không thể chỉ đứng nhìn mà đã có những bước đi cụ thể. Trong đó có việc triển khai thêm tên lửa ở khu vực phía nam và tây bắc, tăng cường sức mạnh quân sự; đồng thời tuyên bố Nga có thể tấn công phủ đầu nếu thấy cần thiết.
Sau những diễn biến căng thẳng có xu hướng ngày càng leo thang thời gian qua thì chuyến thăm của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ T.Donilon tới Nga với thông điệp từ Nhà trắng được Mátxcơva đánh giá là "mang tính xây dựng" của Tổng thống B.Obama phần nào gây bất ngờ cho dư luận quốc tế. Trong bối cảnh Washington đang phải cùng lúc đối phó với quá nhiều vấn đề "nóng" - từ Iran, Syria đến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và những thách thức chưa được giải quyết như Afghanistan, Iraq cùng tình hình kinh tế khó khăn trong nước chưa được cải thiện - sự xuất hiện của ông T.Donilon ở Mátxcơva chứng tỏ Washington nhận thức rất rõ ràng việc không có bất cứ cường quốc nào trên thế giới có thể tự đối phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, mà cần có sự hợp tác quốc tế.
Do đó, cải thiện quan hệ với một cường quốc giữ vai trò không thể bỏ qua trên trường quốc tế như Nga để vừa có thể tranh thủ sự ủng hộ của Mátxcơva nhằm mục tiêu hạ nhiệt các điểm "nóng"; đồng thời giúp Mỹ giãn bớt một số vấn đề cấp bách cần giải quyết được xem là một bước đối ngoại khôn ngoan của Nhà trắng vào lúc này. Thế nhưng, có không ít lý do để hoài nghi bước đi mới nhất mang tính hàn gắn trong quan hệ Nga - Mỹ khi vẫn còn đó những bất đồng "vũ khí" chưa thể hóa giải giữa hai đối thủ hạt nhân hàng đầu thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.