(HNM) - Mối quan hệ Nga - Mỹ vốn không mấy bằng phẳng đang có nguy cơ tiến sâu vào
Dù Washington khẳng định, đóng cửa USAID tại xứ Bạch dương không phải là dấu chấm hết cho quá trình "cài đặt" lại quan hệ Nga - Mỹ, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, nỗ lực tái thiết lập quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới suốt 4 năm qua đang đứng trước nguy cơ rơi vào băng giá.
Mỹ sẽ đóng cửa văn phòng USAID tại Nga từ ngày 1-10. |
Một quan chức Chính phủ Mỹ cho biết, quyết định đóng cửa văn phòng USAID chỉ ảnh hưởng tới 13 nhà ngoại giao Mỹ và 60 nhân viên địa phương. Những nhóm hoạt động ở Nga bị ảnh hưởng nhất gồm có GOLOs - giám sát hoạt động bầu cử và Memorial - tổ chức theo dõi nhân quyền. Song, động thái của Mátxcơva cũng đủ để châm ngòi cho một làn sóng phản ứng từ chính giới Mỹ. Điển hình là Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, người không ngần ngại cho rằng, đây là hành động xúc phạm Mỹ và là một cú "thọc tay vào mắt" chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Trên thực tế, quyết định đóng cửa USAID ở Nga không phải là một điều gì quá bất ngờ của Điện Kremlin, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin cần tập trung đẩy lùi nguy cơ bất ổn bắt nguồn từ phong trào phản kháng của các phe đối lập trong nước mà ông cho là có sự "hà hơi, tiếp sức" từ bên ngoài qua các tổ chức phi chính phủ (NGOs). Vì vậy, ngay từ khi nhậm chức vào tháng 5 vừa qua, cùng với việc tăng cường các biện pháp cải cách chính trị, sẵn sàng đối thoại với phe đối lập, Tổng thống V.Putin đã nhanh chóng thông qua các đạo luật mới về biểu tình, tăng cường kiểm soát hoạt động của NGOs, buộc các tổ chức này phải thực hiện "nghĩa vụ chính trị" là đăng ký với Bộ Tư pháp và phải nộp báo cáo hàng quý về hoạt động cho các cơ quan chức năng Nga.
Không phải đến lúc này, đất nước có diện tích lớn nhất thế giới mới gặp "vấn đề" với các nhóm bảo trợ từ nước ngoài. Nhìn lại những năm 80 của thế kỷ trước, khi Mikhail Gorbachev triển khai cuộc cải tổ ở Nga, các tổ chức phi chính phủ cũng đua nhau nở rộ và trở thành tuyến đầu của cái gọi là "phong trào dân chủ" dẫn tới sự cáo chung của Liên bang Xô Viết. Trong thời gian gần đây, đã không ít lần Tổng thống V.Putin cáo buộc NGOs đã chi hàng tỷ USD để bảo trợ và kích động nhằm tạo ra sự đảo lộn chính trị tại Nga. Thậm chí, nhà lãnh đạo 59 tuổi này còn không ngần ngại nêu đích danh Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã bật đèn xanh, xúi giục các cuộc biểu tình rầm rộ chống Chính phủ Nga vào cuối năm ngoái - thời điểm đảng Nước Nga thống nhất giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện và cựu điệp viên Cơ quan An ninh Nga (KGB) đang chuẩn bị cho chặng đua nước rút vào Điện Kremlin nhiệm kỳ thứ 3. Sự suy giảm uy tín của đảng Nước Nga thống nhất và ứng cử viên Tổng thống V.Putin lúc đó khiến nhiều tờ báo phương Tây vội vã gợi ý về một cuộc cách mạng tại Nga tương tự những gì đã xảy ra ở Trung Đông và Bắc Phi thời gian qua dưới những cái tên như "mùa xuân Slav", "cuộc nổi dậy của giới trẻ" hay "cuộc cách mạng Tuyết"...
Rõ ràng, sự nổi lên và "trưởng thành" nhanh chóng của các phe phái đối lập và việc hình thành các chính đảng khác nhau ngày càng nhiều đang đặt Tổng thống V.Putin trước thách thức không nhỏ. Xét cho cùng, những quyết sách cứng rắn được Điện Kremlin và Chính phủ Nga đưa ra gần đây đều không nằm ngoài mục tiêu dung hòa các nhóm phe phái, mang lại sự ổn định chính trị cho nước Nga như các cử tri trông đợi. Tuy nhiên, sự ổn định của xứ Bạch dương lâu nay vẫn nằm ngoài mong muốn của các thế lực phương Tây, những "đối tác" mà Tổng thống V.Putin cho rằng luôn tìm cách khoét vào các điểm yếu của Nga. Điều này cũng có nghĩa, "cuộc chiến" của Mátxcơva nhằm chống lại những "chiêu bài" liên quan tới dân chủ, nhân quyền chưa thể kết thúc.
Trong bối cảnh bất đồng giữa Nga và Mỹ về cuộc khủng hoảng tại Syria, vấn đề hạt nhân Iran và hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của Mỹ… vẫn chưa tìm được lốt thoát, mâu thuẫn mới liên quan tới USAID và những biện pháp đáp trả giữa hai bên trong thời gian qua là những dấu hiệu cho thấy quan hệ Nga - Mỹ đang đứng trước một thời kỳ không thể nói là hoàn toàn tốt đẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.