(HNM) - Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga lại gia tăng căng thẳng sau khi 2 máy bay phản lực của Nga hạ cánh tại thủ đô Caracas của Venezuela mang theo 100 binh lính và nhiều thiết bị quân sự.
Máy bay Nga xuất hiện tại sân bay ở thủ đô Caracas của Venezuela. |
Sau cuộc gặp với vợ Tổng thống tự xưng Venezuela Juan Guaido hôm 27-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng mọi phương án đang để ngỏ nếu Nga không rút khỏi Caracas. Cảnh báo của người đứng đầu Nhà Trắng được xem là phản ứng mới nhất của Washington trước việc máy bay chở theo nhân viên quân sự của Nga tới thủ đô Venezuela vào cuối tuần trước. Trong khi Mátxcơva khẳng định các chuyên gia Nga có mặt tại đây như một phần trong thỏa thuận hợp tác quân sự - kỹ thuật giữa hai nước, thì Washington cáo buộc động thái mới của Mátxcơva phục vụ cho kế hoạch thành lập một lực lượng đặc nhiệm ở quốc gia Nam Mỹ.
Sự hiện diện của máy bay Nga tại Caracas diễn ra 3 tháng sau khi Nga tổ chức cuộc tập trận chung với Venezuela trên lãnh thổ nước này. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro gọi đây là dấu hiệu cho thấy sự tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, còn Washington lại lên tiếng chỉ trích đây là hành động “xâm lấn” của Nga tại khu vực Mỹ Latinh. Đáp lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng, Mỹ nên rút quân khỏi Syria trước khi đề nghị Nga rút sự hiện diện khỏi Venezuela.
Kể từ khi lãnh đạo đối lập J.Guaido tuyên bố trở thành Tổng thống của Venezuela hôm 23-1 và thách thức chính quyền Tổng thống đương nhiệm N.Maduro, sự đối đầu giữa Nga và Mỹ có xu hướng gia tăng. Washington cùng châu Âu và một loạt quốc gia Mỹ Latinh công khai ủng hộ ông J.Guaido, trong khi nhiều nước, gồm có Nga và Trung Quốc phản đối sức ép từ Mỹ và khẳng định ông N.Maduro là nhà lãnh đạo hợp pháp duy nhất của Venezuela.
Mối quan hệ thân thiết giữa Nga và Venezuela bắt đầu từ thời cố Tổng thống Hugo Chavez. Dưới thời ông H.Chavez, Nga trở thành một trong những đồng minh thân cận nhất của Venezuela với các mối liên kết trên mọi lĩnh vực từ dầu khí, tài chính cho tới vũ khí quân sự. Sự liên kết này tiếp tục thăng hoa khi Tổng thống N.Maduro tiếp quản vị trí lãnh đạo Venezuela vào năm 2013. Từ năm 2005 đến 2017, Venezuela đã đạt được các thỏa thuận vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 11 tỷ USD với Nga. Tháng 12 năm ngoái, mối quan hệ thân tình Nga - Venezuela càng thêm phần sâu sắc khi Điện Kremlin đồng ý xóa 3,15 tỷ USD các khoản nợ của Caracas khi quốc gia Nam Mỹ chật vật trong khủng hoảng kinh tế.
Nga vẫn duy trì sự ủng hộ với ông N.Maduro sau cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi tháng 5-2018 và đã chỉ trích các cường quốc bên ngoài hậu thuẫn Tổng thống tự xưng J.Guaido, cáo buộc ông này âm mưu chiếm quyền bất hợp pháp với sự hậu thuẫn của Mỹ, đồng thời cam kết làm mọi thứ cần thiết để hỗ trợ Tổng thống đương nhiệm N.Maduro. Trong khi đó, các động thái của Mỹ chống lại Caracas đã gia tăng trong những tuần gần đây với việc Tổng thống D.Trump cảnh báo rằng “tất cả các lựa chọn”, bao gồm một cuộc can thiệp quân sự đang được cân nhắc. Ngày 28-4 tới, Washington sẽ ra lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Venezuela.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng ra lệnh cho quân đội hoặc lực lượng bán quân sự tới một số chiến trường để thách thức các chiến lược của Mỹ, trong đó có Syria và Ukraine. Thế nên, bất kỳ sự hiện diện nào của Nga ở Mỹ Latinh, đặc biệt là Venezuela, sẽ khiến quân đội Mỹ lo ngại. Vì vậy, những diễn biến mới nhất chắc chắn sẽ khiến mối quan hệ vốn đã lạnh nhạt giữa Mỹ và Nga thêm phần băng giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.