(HNM) - Khúc mắc cũ chưa qua, ngờ vực mới đã đến. Mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Brazil và Mỹ lại tiếp tục gặp sóng gió.
Trong chương trình thời sự "Fantástico", kênh truyền hình Globo của Brazil phát đi thông tin Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras là mục tiêu hàng đầu trong các hoạt động gián điệp của Chính phủ Mỹ thời gian qua. Theo tài liệu tối mật được cựu nhân viên tình báo Edward Snowden cung cấp cho nhà báo Mỹ Gleen Greeenwald, tên của Tập đoàn Petrobras đã xuất hiện trong tài liệu của Cơ quan an ninh Mỹ (NSA) hướng dẫn các "tân binh" xâm nhập mạng máy tính riêng của các công ty, chính phủ và tổ chức tài chính.
Tập đoàn Petrobras được cho là nằm trong danh sách do thám của cơ quan an ninh Mỹ. |
Globo cho rằng, tài liệu trên chứng tỏ NSA không chỉ do thám trong lĩnh vực chính trị mà cả trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Với 85.000 nhân viên và doanh thu hằng năm lên tới 281 tỷ real (khoảng 120 tỷ USD), Petrobras là tập đoàn lớn nhất Brazil. Còn xét về vốn, Petrobras là doanh nghiệp dầu khí lớn thứ 4 thế giới. Do đó, các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ theo dõi Petrobras cũng nhằm mục đích biết trữ lượng dầu mỏ tại nam Đại Tây Dương.
Sự việc đã khiến nhà chức trách quốc gia Nam Mỹ một lần nữa yêu cầu sự giải thích của Washington. Tiết lộ này xuất hiện vào thời điểm vụ điệp viên Mỹ "nhòm ngó" thư điện tử và các cuộc gọi điện thoại của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff mới được tiết lộ ngày 1-9 chưa được lý giải thỏa đáng. Do đó, bê bối theo dõi Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras đang đe dọa sẽ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Thực tế, những tin tức trên xuất hiện vào thời điểm nhạy cảm khi bà D.Rousseff dự kiến đến thăm chính thức Mỹ vào tháng 10 tới theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Đây là chuyến thăm quan trọng nhằm thảo luận về một hợp đồng mua máy bay chiến đấu trị giá 4 tỷ USD, kế hoạch hợp tác về dầu mỏ và công nghệ nhiên liệu sinh học, cũng như các thỏa thuận thương mại. Ngoài ra, chuyến thăm còn được xem như là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nền kinh tế lớn nhất Châu Mỹ. Tuy nhiên, những bê bối về vụ nghe lén của NSA đã khiến mối quan hệ Mỹ - Brazil xuất hiện những vết rạn khó lành. Brazil tuyên bố, nếu cáo buộc Mỹ do thám Tổng thống D.Rousseff là sự thật thì đây là "hành vi vi phạm chủ quyền nghiêm trọng". Thậm chí, để thể hiện thái độ cương quyết trong vấn đề này, bà D.Rousseff còn cân nhắc về việc hoãn chuyến thăm Mỹ cũng như có hành động đáp trả, trong đó có việc loại trừ khả năng mua các máy bay chiến đấu F-18 của Boeing. Bộ Ngoại giao Brazil cũng đã triệu Đại sứ Mỹ Thomas Shannon tới để phản đối và đề nghị Đại sứ chuyển tải thông điệp tới Nhà Trắng rằng chính quyền quốc gia Nam Mỹ cần có một lời giải thích rõ ràng xung quanh thông tin này. Căn cứ vào câu trả lời mà ông B.Obama đưa ra trong thời gian tới, Tổng thống D.Rousseff sẽ quyết định tiến hành hoặc hủy chuyến thăm chính thức Mỹ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Brazil, Luiz Alberto Figueiredo Machado, ngày 10-9 đã tới Washington để nghe các nhà chức trách Mỹ giải thích về những cáo buộc hoạt động gián điệp nhằm vào quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh.
Rõ ràng, dù NSA từng khẳng định các cuộc nghe lén chỉ thu thập thông tin phục vụ cuộc chiến chống khủng bố nhưng những gì đang diễn ra lại đang cho thấy một sự thật khác. Chương trình nghe lén của NSA một lần nữa đã khiến Washington vô cùng khó ăn khó nói. Với những tin tức mới nhất, các tập đoàn kinh tế lớn vốn không liên quan đến vấn đề an ninh hay khủng bố giờ đây cũng được cho là đã nằm trong danh sách theo dõi của Mỹ. Vì thế, quan hệ giữa Mỹ với Brazil và các nước đồng minh có thể sẽ không còn khăng khít như trước nếu những nghi vấn không được giải quyết một cách êm đẹp. Mặc dù chính quyền Tổng thống B.Obama cam kết sẽ điều tra rõ cáo buộc liên quan đến do thám mạng đối với Tổng thống Brazil và người đồng cấp Mexico, đồng thời cùng hợp tác với hai nước đồng minh này trong vấn đề an ninh mạng, nhưng xem ra Washington không dễ lấy lại niềm tin đã bị "hao hụt" sau những bê bối liên tục, đặc biệt là với Brazil.
Cho dù Brazil ít có khả năng gây ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới lợi ích của Mỹ, nhưng nước này lại có khả năng sử dụng ảnh hưởng của Mỹ ở Nam Mỹ, một khu vực mà Washington có lợi ích to lớn. Mối quan hệ xấu đi với Brazil sẽ là bước thụt lùi của Mỹ ở khu vực, nơi ảnh hưởng của Washington đang bị thu hẹp dần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.