Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ giữa doanh nghiệp và Tham tán thương mại: Gần nhà, xa ngõ

Đặng Loan| 23/02/2016 07:40

(HNM) - Thị trường xuất khẩu đang rộng mở khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với quốc tế. Dù vậy, hoạt động xuất khẩu của nước ta còn nhiều khó khăn khi doanh nghiệp (DN) vẫn rất thiếu thông tin, khó tiếp cận thị trường.

Doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu thông tin khi tham gia thị trường xuất khẩu.Ảnh: Huy Hùng


Nhân Hội nghị Tham tán thương mại 2016 do Bộ Công thương tổ chức ngày 22-2, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều DN kêu gọi sự hỗ trợ của Bộ Công thương và các tham tán.

Doanh nghiệp thiếu thông tin

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty Phước Thành Bảy Mập chuyên xuất khẩu gạo cho biết, thời gian gần đây khi xuất gạo vào Mỹ, DN không biết chất nào được phép và bị cấm tại thị trường này. Khi DN đưa hàng đến mới nhận thông báo phải niêm phong hàng, gửi kho, chờ kiểm định, nếu đạt tiêu chuẩn, không có chất cấm thì mới được giao hàng, những lô nào không đạt thì phải xuất ngược về.

Trả lời bà Nhung, Tham tán Đào Trần Nhân, phụ trách thị trường Mỹ cho biết, những năm gần đây phía Mỹ không công bố rõ các hàm lượng được và không được cho phép trong sản phẩm, trong khi quy định hàm lượng hiện ở mức phần tỷ chứ không phải phần triệu. Hiện Bộ NN&PTNT đang tích cực làm việc với phía bạn để có quy định hàm lượng cụ thể trong các mặt hàng xuất khẩu.

Bà Tô Tuệ Lang, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Thuận, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Bình Thuận đề xuất các tham tán có thể giúp DN tra cứu tín dụng của khách hàng để tăng, giảm mức độ tin cậy trong giao dịch. Theo bà Lang, rủi ro nhiều nhất của DN nằm ở phương thức thanh toán, trong khi đó DN không có đơn vị thứ 3 hỗ trợ vấn đề này.

Bà Lang cho biết, hiện nhiều DN ở Châu Âu, đặc biệt là Italia thường ép DN Việt Nam thanh toán sau 30 ngày nhận hàng. Đây là phương thức rất rủi ro dù với cả khách hàng quen, vì có những DN đã giao dịch 5 năm, thanh toán rất đàng hoàng, nhưng chỉ cần một lần không trả tiền thì DN thiệt hại rất lớn…

Cần cơ chế phối hợp mới

Theo các DN, họ không cần Nhà nước hỗ trợ nhiều, chỉ cần cung cấp thêm thông tin thị trường để từ đó có phương án kinh doanh hiệu quả. Hiện, sự kết nối với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài còn kém, thông tin trên trang web của Bộ Công thương không thân thiện, khó tìm, hạn chế hơn cả những trang web thông thường. Ông Trương Quang Hoài Nam (Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ) cho biết "DN rất cần thông tin về ngành hàng, nhưng khi tìm thông tin về một ngành hàng rất lớn là thủy sản trên website của Bộ Công thương thì hoàn toàn không có".

Ông Phạm Trung Nghĩa - Tham tán tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cho rằng, để nâng cao công tác kết nối thông tin thì cả thương vụ lẫn DN đều cần cố gắng. Theo ông Nghĩa, trong năm 2015 ông đã nhận được hơn 3.300 email hỏi thông tin của địa phương, hiệp hội và nhiều nhất là từ DN. Thương vụ đã cố gắng trả lời hết nhưng cách hỏi của một số là chung chung khó trả lời hoặc cần thời gian nghiên cứu, yêu cầu hỏi cụ thể hơn để dễ trả lời. Đại diện này cũng cho biết, hằng tháng chỉ có Hiệp hội Thủy sản (VASEP) và da giày (Lefaso) gửi, còn các hiệp hội khác không có. Vì vậy thương vụ toàn cập nhật giá đầu nước sở tại, chứ không có giá từ Việt Nam để nắm tình hình.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng - Tham tán tại Nhật Bản, trong tình hình hội nhập mới, vai trò của thương vụ là phải chủ động đổi mới phương thức hoạt động, trước tiên là kết hợp với các hiệp hội để thông tin về tất cả nội dung có liên quan đến các hiệp định, trên cơ sở các chính sách của nước sở tại. Chẳng hạn, chính sách của Nhật Bản đang rất thay đổi, quan tâm đến nông nghiệp hơn, bắt đầu cải tổ sản xuất, cơ cấu tổ chức… Ông Dũng cũng cho biết, ngoài phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, liên kết giữa các địa phương Nhật Bản là cách xúc tiến thương mại hiệu quả nhất, vì trên cơ sở liên kết thì cac hiệp hội, địa phương sẽ chủ động kết nối. Gần đây các DN Nhật Bản có xu hướng đầu tư vào Việt Nam nên hình thức liên kết này có nhiều cơ sở thuận lợi để phát triển.

Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu cũng thừa nhận thông tin có rất nhiều nhưng cách nắm bắt, sàng lọc và cung cấp thì chưa được tốt. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng chính các DN cũng không có sự tương tác tốt khi Cục có thông tin khách hàng, gửi về cho DN, hiệp hội thì cũng không nhận được phản hồi.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú:
Không nên trông chờ hoàn toàn vào tham tán

Hầu hết các tham tán chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc do sự tổ chức quá tải về cả công việc và nguồn lực bởi kinh phí ít và nhân sự chỉ có 1 người. Thời gian sắp tới, các tham tán sẽ tập trung thông tin về cơ chế, chính sách của nước sở tại; riêng phần hỗ trợ DN sẽ chuyển sang các đơn vị xúc tiến. Tuy vậy, các DN không nên trông chờ hoàn toàn vào các tham tán thương mại mà cần nỗ lực bản thân nhiều hơn trong tìm kiếm thị trường và xuất khẩu hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ giữa doanh nghiệp và Tham tán thương mại: Gần nhà, xa ngõ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.